Đăng kí nhà trẻ ở Nhật P1: Tìm hiểu về các loại hình gửi trẻ ở Nhật

Xin chào độc giả của Momiji’s Family! Hiện giờ đã vào giữa tháng 8 và bé thứ hai nhà mình cũng đã được gần 5 tháng. Do khi bé tròn một tuổi mình phải quay lại làm việc, nên thời gian này việc khiến mình bận rộn nhất đó là việc đăng kí nhà trẻ cho con. Có lẽ sẽ có người ngạc nhiên, là tại sao mình lại phải lo lắng sớm thế. Tuy nhiên với các mẹ đã có kinh nghiệm đăng kí cho con học nhà trẻ ở Nhật, sẽ có nhiều người đồng ý với Momiji rằng, đăng kí gửi trẻ ở Nhật thực sự là “một cuộc chiến” đúng không nào? Và để bắt đầu cho kì nhập học tháng 4 sang năm, thì mình phải chuẩn bị ngay từ bây giờ rồi.

Để đồng hành cùng các mẹ có con nhập học tháng 4 sang năm, Momiji xin được mở chuyên mục về “nhà trẻ ở Nhật”. Trong serries này, mình sẽ cập nhập quá trình đăng kí nhà trẻ ở Nhật cho bé nhà mình để các mẹ mới xin học cho con lần đầu cùng tham khảo nhé! Trong bài viết đầu tiên, mình xin được chia sẻ với các mẹ một số khái niệm và thông tin cơ bản nhất, giải thích về các loại hình nhà trẻ ở Nhật!

Đăng kí nhà trẻ ở Nhật P2: Thủ tục đăng kí nhà trẻ ở Nhật như thế nào?

1. Các chức năng của nhà trẻ ở Nhật

Về cơ bản, nhà trẻ ở Nhật được thành lập với hai mục đích chính đó là:

1.1 Chức năng Hoiku-保育

Mình có thể tạm dịch đây là chức năng “giữ trẻ”. Chức năng này có nghĩa là nhà trẻ sẽ thay bố mẹ chăm sóc em bé những nhu cầu căn bản như ăn, uống, ngủ nghỉ, các vấn đề liên quan đến nếp sống sinh hoạt hàng ngày… Đây cũng là chức năng chính của Hoikuen tại Nhật. Người Nhật cho rằng: bố mẹ là người phải có trách nhiệm lớn nhất trong việc “Hoiku-保育” tức là chăm sóc em bé. Chỉ khi bố mẹ vì những lý do bất khả kháng, không thể chăm sóc con thì nhà trẻ mới thay thế bố mẹ. Các lý do có thể là: bố và mẹ phải cùng đi làm hoặc cùng đi học, hoặc bị bệnh… Nếu chỉ một người bố hoặc mẹ bận thì trẻ cũng không được gửi trẻ vào Hoikuen.

Do đó, muốn xin cho trẻ vào Hoikuen tại Nhật, trẻ phải được chứng nhận “bố và mẹ có lý do không thể chăm sóc trẻ”. Thủ tục này phải được cơ quan hành chính quận shiyakusho chứng nhận, tiếng Nhật gọi là “Hoikunintei-保育認定”.

保育認定区分
Phân loại Hoikunintei
Tuổi của trẻĐặc điểmNơi có thể đăng kí học
1号認定
Loại số 1
>=3 tuổiTrẻ trên 3 tuổi, bố hoặc mẹ vẫn có khả năng chăm sóc trẻ tại nhàYochien, Nintei Kodomoen
2号認定
Loại số 2
>=3 tuổiTrẻ trên 3 tuổi, bố và mẹ đều có lý do để không thể chăm sóc trẻ tại nhà.Ninka/Ninshou Hoikuen, Nintei Kodomoen
3号認定
Loại số 3
0~2 tuổiTrẻ dưới 3 tuổi, bố và mẹ đều có lý do để không thể chăm sóc trẻ tại nhà.Ninka/Ninshou Hoikuen, Nintei Kodomoen, Chiikigata Hoikujigyou
  • Các lí do cần để gửi trẻ tại Hoikuen ở Nhật:

Muốn xin cho trẻ đi học tại Hoikuen, trẻ phải được chứng minh cả bố và mẹ đều có lí do để không thể chăm sóc trẻ tại nhà. Các lý do bao gồm:

  1. Làm việc trên 64 tiếng/tháng.  (Ngày làm việc trên 4 tiếng và làm trên 16 ngày/tháng)
  2. Mẹ có bầu, sinh con: Trường hợp này chỉ được gửi trẻ trong khoảng thời gian trước và sau sinh hai tháng.
  3. Bố mẹ bị bệnh, bị thương hoặc là người khuyết tật.
  4. Bố mẹ phải chăm sóc người thân bị bệnh hoặc nằm viện dài ngày
  5. Trường hợp gia đình gặp phải thiên tai như cháy nhà, động đất, sập nhà vv. Khi đó có thể được gửi trẻ cho đến khi việc phục hồi cuộc sống sinh hoạt thường ngày được hoàn tất
  6. Khi bố hoặc mẹ đi xin việc, hoặc chuẩn bị khởi nghiệp tự kinh doanh. Trường hợp này chỉ có thể gửi con trong vòng hai tháng.
  7. Trường hợp bố hoặc mẹ đang theo học tại trường học hoặc tham gia các khóa huấn luyện để xin việc làm (Ví dụ các khóa học của Hallo Work). Trẻ được gửi trẻ cho đến khi bố mẹ kết thúc khóa học.
  8. Trường hợp trẻ có thể bị bố mẹ ngược đãi hoặc cha mẹ không đủ năng lực hành vi để chăm sóc trẻ.

Trên đây là những điều kiện “cần” để xin học cho trẻ tại Hoikuen của Nhật. Lý do Momiji nói đây là điều kiện “cần” là vì đây chỉ là những điều kiện tối thiểu nhất. Kể cả gia đình bạn có đầy đủ tất cả các điều kiện trên cũng vẫn bị trượt Hoikuen như thường. Gia đình mình có cả hai bố mẹ làm full time (120 tiếng/tháng) mà con hai năm đều trượt. Ngoài ra không phải chỉ khi đăng kí học mới cần đầy đủ những điều kiện kể trên, sau khi con đỗ Hoikuen, nếu bố hoặc mẹ nghỉ làm hoặc không thuộc vào 1 trong các lý do kể trên, trẻ sẽ bị bắt buộc nghỉ học hoặc chuyển trường.

1.2 Chức năng Kyoiku-教育

Đây là chức năng “giáo dục” trẻ, là chức năng chính được coi trọng tại Yochien ở Nhật. Nhà trẻ sẽ tập trung vào việc “giáo dục” trẻ để trẻ có thể làm quen với việc “học” trước khi vào cấp 1. Trẻ sẽ được nhà trường dạy vận động, dạy vẽ tranh, dạy ngoại ngữ… giống như đang học một bậc học dưới tiểu học. Việc được hưởng “giáo dục” là quyền lợi của mọi công dân sống tại Nhật, do đó không liên quan đến việc bố mẹ có bận đi làm hay không, chỉ cần trẻ đủ 3 tuổi là có thể xin vào học tại Yochien của Nhật.

Hai chức năng “chăm sóc” và “giáo dục” chính là điểm tạo nên sự khác nhau căn bản của Hoikuen và Yochien tại Nhật. Hoikuen là nơi thay bố mẹ chăm sóc trẻ, còn Yochien là nơi trẻ được “giáo dục” để làm quen với việc lên cấp 1. Có lẽ một số mẹ sẽ lo lắng con học Hoikuen sẽ không học giỏi bằng học Yochien, hiện nay đa số các trường Hoikuen đều đưa chức năng giáo dục trẻ vào trương trình của mình. Tuy nhiên việc học ở Hoikuen sẽ không phải là mục đích chính và không bài bản như Yochien, do đó nhiều người Nhật mà muốn con học hành bài bản, họ thường có xu hướng cho con học Yochien hơn là Hoikuen đấy!

2. Các loại hình nhà trẻ ở Nhật

Có rất nhiều ý kiến nói rằng nhà trẻ ở Nhật có nhà trẻ công và nhà trẻ tư. Rồi cho rằng nhà trẻ công thì rẻ hơn nhà trẻ tư. Hoặc một số khác lại cho rằng nhà trẻ ở Nhật chỉ có Hoikuen và Yochien. Những quan niệm đó chưa phải hoàn toàn đúng và có nhiều nhầm lẫn.

Tại Nhật ngoài Hoikuen và Yochien, có rất nhiều loại hình nhà trẻ khác. Mỗi nhà trẻ có thể do nhà nước quản lý hoặc tư nhân quản lý, nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn về số lượng giáo viên, diện tích lớp học, số lượng học sinh… Dựa theo các chuẩn mà cơ sở gửi trẻ đủ điều kiện mà người ta lại chia ra các loại nhà trẻ khác nhau như Ninka Hoikuen-認可保育園、Yochien-幼稚園、Hoiku mama-保育ママ、Ninshouhoikuen-認証保育園…

Dưới đây là bảng tổng hợp các loại hình nhà trẻ tại Nhật dựa theo độ tuổi, mục đích gửi trẻ. Đặc điểm rõ hơn của từng loại nhà trẻ, mời độc giả theo dõi ở phần tiếp theo của bài viết nhé.

nhà trẻ ở Nhật
Các loại hình nhà trẻ ở Nhật

2.1 Ninka Hoikuen- 認可保育園

  • Đặc điểm:

Đây là loại hình nhà trẻ mà nhiều mẹ hay gọi là nhà trẻ công của Nhật. Ninka Hoikuen là nhà trẻ phải đạt chuẩn quy định bởi từng tỉnh thành của Nhật. Các tiêu chuẩn này rất tỷ mỷ và khắt khe nên chỉ những trường nào đủ “chuẩn” mới được gọi là Ninka Hoikuen. Một số tiêu chuẩn có thể kể ra như: đó là trường phải có sân chơi, có phòng y tế và y tá túc trực, có bếp ăn và thức ăn cho các cháu phải đc nấu và quản lý bởi chuyên gia dinh dưỡng có chứng chỉ, trường phải có đủ giáo viên có chứng chỉ nuôi dạy trẻ…

Khi học tại Ninka Hoikuen, trẻ không cần mặc đồng phục. Cơm ăn nước uống được phục vụ ngay trong trường và các trường mở khá muộn đến tận 8h tối, do đó phù hợp với các gia đình bố mẹ đều bận rộn làm full time. Ngoài ra trường Ninka Hoikuen có các hoạt động như họp phụ huynh 1-2 lần/năm, ngày hội thể thao, lễ hội mùa hè vv nhưng đều vào cuối tuần nên cha mẹ dễ tham gia.

  • Thời gian giữ trẻ:

Từ thứ hai đến thứ 7, trẻ có thể gửi trong vòng 8h đến 11h/ngày. Ngoài ra các trường đều giữ trẻ quá giờ nếu bố mẹ đón muộn. Tuy nhiên phải trả thêm tiền ngoài giờ gọi là Enchou Hoikuryou-延長保育料. Ví dụ như tại trường con lớn nhà Momiji đang theo học, nếu gửi thêm mỗi ngày 30 phút thì tốn thêm 1,000 yên/tháng. Nếu mình không trả theo tháng thì mỗi lần đón con muộn 30 phút cũng đã tốn 500 yên/lần. Do đó mình thường đóng trước tiền đón muộn theo tháng luôn để đi làm về thong thả đón con hơn.

  • Tiền học phí:

Học phí tại Ninka Hoikuen được quy định dựa trên số tiền thuế thị dân của bố và mẹ. Thuế thị dân đóng càng nhiều thì tiền học của con càng nhiều. Mình xin lưu ý đây là Thuế thị dân chứ không phải là thu nhập nhé! Ví dụ nếu bố mẹ có thu nhập cao nhưng làm các thủ tục giảm thuế, thì tiền học của con vẫn có thể rất thấp. Ngược lại bố mẹ thu nhập thấp nhưng nếu không làm giảm thuế, thì tiền học của con vẫn cao như thường. Do đó mình khuyên các gia đình có con học tại NinkaHoikuen nên làm thủ tục giảm thuế để bớt tiền học của con hàng tháng. Tuy nhiên mình cũng lưu ý nếu làm giảm thuế quá nhiều sẽ ảnh hưởng tới việc xin visa vĩnh trú hoặc quốc tịch. Do đó các bạn nên cân nhắc nhé!

Học phí nhà trẻ ở Nhật
Bảng học phí tại Ninkahoikuen dựa theo thuế thị dân tại thành phố Kawasaki. Nguồn: Homepage Kawasaki shi

Ngoài tiền học phí và tiền đóng đón con muộn, thì hầu như không tốn các chi phí khác khi gửi trẻ ở NinkaHoikuen.

  • Nơi đăng kí học:

Tất cả các thủ tục liên quan đến Ninka Hoikuen-認可保育園 như đăng kí, xin chuyển trường…phải được thực hiện thông qua cơ quan hành chính quận shiyakusho-市役所 hoặc kuyakusho-区役所.

2.2 Ninshou hoikuen- 認証保育園

  • Đặc điểm:

Với những cơ sở giữ trẻ chưa đủ tiêu chuẩn đạt “Ninka” của tỉnh thành, nhưng đủ các tiêu chuẩn độc lập khác do từng thành phố quy định được gọi là Ninshou Hoikuen-認証保育園 (hoặc có nơi gọi là Nintei Hoikuen-認定保育園). Cách thức vận hành trường lớp và nuôi dạy trẻ khá tương đồng với Ninka hoikuen như đã nêu ở phần trước, nhưng chỉ vì một vài lý do như không có sân chơi cho em bé, hay không có bếp ăn trong trường, hoặc không có đủ số lượng giáo viên có chứng chỉ… nên chỉ được xếp loại “Ninshou”. Các trường Ninshou Hoikuen phần lớn do tư nhân xây dựng và quản lý, nên một số mẹ hay gọi các trường này là “trường tư”.

  • Thời gian giữ trẻ:

Tùy vào từng trường mà thời gian giữ trẻ khác nhau một chút, nhưng đa số trông trẻ từ thứ 2 đến thứ 6, giữ trẻ từ 8h~11h/ngày. Thời gian chính trông trẻ thường sẽ từ 8:00 sáng đến 17:00 chiều, ngoài thời gian đó ra sẽ tốn tiền ngoài giờ 延長保育料. Do đó nếu mẹ hay phải làm thêm giờ, hoặc đi làm sớm thì gửi tại các trường Ninshou Hoikuen sẽ hay bị tốn kha khá khoản tiền ngoài giờ nhé!

  • Học phí:

Học phí của ninnshou hoikuen được quy định bởi từng trường và không liên quan đến tiền thuế của bố mẹ. Mình cũng đã có thời gian phải gửi con 1 tuổi tại Ninshou Hoikuen, tiền học phí là 7man/tháng cộng với tiền ngoài giờ là 300 yên/30 phút và tiền bỉm 2,000/tháng. Những trường khác khu vực Kawasaki mà mình sống đều có tiền học phí tương đương như vậy.

Nghe qua thì có vẻ tiền học phí tại Ninshou Hoikuen khá đắt. Tuy nhiên khi cho con học tại Ninshou Hoikuen, cơ quan hành chính quận shiyakusho (kuyakusho) sẽ trợ cấp một phần học phí. Tại Kawasaki mình ở, trẻ dưới 3 tuổi được nhận 20,000 yên/tháng. Trên 3 tuổi là 5,000 yên/tháng. Do đó nếu bố mẹ phải đóng thuế thị dân nhiều, thì có trường hợp đi học tại Ninshouhoikuen lại rẻ hơn nhiều so với Ninka Hoikuen đấy! Thế mới nói, không phải cứ học trường tư, là đắt hơn trường công đâu nhé!

  • Nơi đăng kí:

Đăng kí vào các trường Ninshou Hoikuen được thực hiện trực tiếp tại trường. Mẹ phải để ý trang chủ của các trường về lịch đăng kí, lịch tham quan trường ngay càng sớm càng tốt để không lỡ kì nhập học của con nhé! Thông thường các trường đều có lịch đăng kí và tham quan định kỳ 2-3 lần trong năm.

2.3 Yochien-幼稚園

  • Đặc điểm:

Khác với Hoikuen, Yochien được coi là một bậc học dưới tiểu học của Nhật. Đây được coi là bước đệm vào tiểu học, chuẩn bị cho trẻ làm quen với việc thay đổi môi trường từ gia đình đến trường học. Do đó trẻ chỉ cần từ 3 tuổi trở lên được quyền đăng kí vào học Yochien tại Nhật. Tại Yochien, việc giáo dục trẻ được coi trọng do đó trẻ có các giờ học thể dục, giờ học hát, giờ học vẽ ngoại ngữ đàng hoàng chứ không chơi tự do như ở Hoikuen. Ngoài ra trẻ phải mặc đồng phục, đeo giầy dép theo quy định và hầu hết bố mẹ phải chuẩn bị bento cho con hàng ngày. Học ở Yochien cũng sẽ có các kì nghỉ dài như nghỉ hè, nghỉ đông, cùng khá nhiều hoạt động ngoại khóa… nên nếu cả bố mẹ phải đi làm sẽ khá vất vả khi cho con học ở Yochien.

  • Thời gian giữ trẻ:

Các trường Yochien đa số chỉ giữ trẻ từ thứ 2 đến thứ 6, và chỉ giữ đến 14:00 hàng ngày. Một số trường có thể giữ trẻ đến 18:00 tối nhưng bố mẹ sẽ phải tốn thêm khoản tiền ngoài giờ hàng tháng nữa.

  • Học phí:

Học phí ở Yochien được chia làm hai loại, học phí trường công và học phí trường tư. Nếu học phí trường công được quy định bởi từng thành phố thì học phí trường tư được quy định bởi từng trường và thường đắt hơn gần gấp đôi trường công. Học phí trường Yochien công lập cũng phụ thuộc vào số tiền đóng thuế thị dân của bố mẹ, và tối đa chỉ khoảng 30,000 yên/tháng. Nghe qua thì nhiều mẹ nghĩ là rẻ nhưng không hẳn đâu, vì đây chỉ là tiền học căn bản 4h/ngày. Mẹ muốn gửi đến chiều thì còn tốn thêm tiền ngoài giờ nữa.

Ngoài học phí, tại Yochien còn tốn các khoản như tiền nhập học, tiền đồng phục, tiền sử dụng xe bus đưa đón hàng ngày, tiền ăn nếu bố mẹ không chuẩn bị cơm hộp vv. Khi học trường Yochien tư lập, cơ quan quận, thành phố có thể sẽ có tiền hỗ trợ học phí. Do đó bố mẹ nên lên shiyakusho hay kuyakusho để hỏi về quyền lợi cụ thể, trước khi quyết định cho con học ở đâu nhé.

  • Nơi đăng kí:

Đăng kí học tại Yochien được thực hiện trực tiếp tại các trường. Bố mẹ cần liên hệ trực tiếp để tham quan trường và dự các buổi orientation về trường nhé.

2.4 Nintei Kodomoen-認定こども園

  • Đặc điểm:

Nintei Kodomoen là kiểu nhà trẻ kết hợp giữa Hoikuen và Yochien. Đây là dạng nhà trẻ kiểu mới chỉ mới hình thành từ năm 2006 trở lại nên số lượng các nhà trẻ kiểu này còn ít. Nếu như Hoikuen trú trọng vào việc “chăm sóc” trẻ, còn Yochien chú trọng vào việc “giáo dục” trẻ, thì Nintei Kodomoen là cơ sở tập trung cả hai khía cạnh này. Tất cả các trẻ đều có quyền được đăng kí vào Ninteikodomoen, vừa được hưởng sự chăm sóc và giáo dục tại trường mà không phụ thuộc vào việc bố mẹ có đi làm hay không. Tuy nhiên do số lượng trường Ninteikodomoen chưa có nhiều tại Nhật, nên không dễ dàng gì mà “đỗ” được Nintei Kodomoen nhé. Ngoài ra NinteiKodomoen có nhiều loại trường khác nhau, có trường nhận bé từ 0~5 tuổi, có trường nhận từ 3~5 tuổi, có trường chỉ nhận từ 0~2 tuổi.

  • Thời gian gửi trẻ:

Tùy vào từng kiểu trường Nintei Kodomoen mà thời gian gửi trẻ khác nhau. Có trường kiểu giống với Yochien thì chỉ gửi 4h/ngày, ngoài ra là gửi ngoài giờ. Có trường lại giống kiểu Hoikuen có thể gửi tới 11h/ngày. Cho nên mẹ phải tìm hiểu thật kĩ cho phù hợp với điều kiện công việc của mình nhé.

  • Học phí:

Học phí của Ninteikodomoen được tính dựa theo độ tuổi, thời gian học trên một ngày (4h/ngày hay 11h/ngày) và dựa trên thuế thị dân của bố mẹ.

  • Nơi đăng kí:

Trước khi đăng kí học ở Ninteikodomoen, bố mẹ phải làm thủ tục chứng nhận ở Shiyakusho hoặc kuyakusho gọi là HoikuNintei-保育認定. HoikuNintei sẽ chia trẻ thành ba loại:

Loại số 1-1号認定:Trẻ trên 3 tuổi, bố hoặc mẹ vẫn có khả năng chăm sóc trẻ tại nhà.

Loại số 2-2号認定: Trẻ trên 3 tuổi, bố và mẹ đều có lý do để không thể chăm sóc trẻ tại nhà.

Loại số 3-3号認定: Trẻ dưới 3 tuổi, bố và mẹ đều có lý do để không thể chăm sóc trẻ tại nhà.

Nếu trẻ thuộc loại số 1, thủ tục đăng kí vào Nintei Kodomoen được thực hiện trực tiếp tại trường. Còn nếu trẻ thuộc loại số 2 hoặc 3 thì thủ tục đăng kí phải được tiến hành qua cơ quan hành chính quận hoặc thành phố.

Có vẻ hơi rắc rối nhưng các mẹ cứ lên shi trao đổi và hỏi, sẽ được hướng dẫn kĩ càng các thủ tục nhé.

2.5 Chiikigata Hoikujigyo-地域型保育事業

  • Đặc điểm:

Ngoài các kiểu nhà trẻ điển hình kể trên, tại Nhật còn có các loại hình gửi trẻ khác được xây dựng và chứng nhận bởi từng địa phương gọi là Chiikigata Hoikujigyo-地域型保育事業. Đặc điểm của các cơ sở này là các lớp học nhỏ, trông ít bé và chỉ trông các bé từ 0~3 tuổi. Các bé thường được tập trung lại trong một lớp học. Sau ba tuổi, trẻ được ưu tiên xét duyệt vào các trường yochien hoặc ninteikodomoen liên kết với các cơ sở trông trẻ. Chiikigata Hoikujigyo-地域型保育事業 được chia làm ba loại nhỏ hơn:

  1. Shoukibo Hoikujigyo-小規模保育園: Là kiểu Hoiken nhỏ trông từ 6~19 bé. Các bé từ 0~3 tuổi đều học tập trung trong một phòng học.
  2. Kateiteki Hoiku-家庭的保育事業: Còn được gọi Là Hoiku mama. Các lớp này thường trông bé ngay tại nhà của cô giáo, và chỉ trông tối đa 5 bé/ lớp.
  3. Jigyoushonai Hoiku-事業所内保育:Còn gọi là Takujisho-託児所. Đây là các lớp trông trẻ trong các cơ quan hoặc công ty. Đối tượng trẻ thường ưu tiên cho con của công nhân viên làm việc tại công ty.
  • Thời gian giữ trẻ:

Từ thứ 2~6 và tối đa 11h/ngày. Tuy nhiên nếu gửi trẻ tại Hoikumama thì giờ học thường cố định và sau đó các cô sẽ không trông bé ngoài giờ giống như ở các trường Hoikuen. Lý do là vì lớp học thường là tại gia đình của các cô trông trẻ nên sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình của các cô nữa.

  • Học phí:

Học phí tại các nhà trẻ kiểu này cũng được shi quy định và dựa trên mức nộp thuế của ba mẹ. Do quy mô lớp học nhỏ nên tiền học phí sẽ rẻ hơn Hoikuen thông thường một chút.

  • Nơi đăng kí:

Việc tiến hành đăng kí học tại các nhà trẻ kiểu này cũng phải được tiến hành thông qua các cơ quan shiyakusho hoặc kuyakusho.

2.6 Các lớp gửi trẻ dưới 3 buổi/tuần

Nếu độc giả chỉ có nhu cầu gửi con dưới 3 buổi một tuần, hoặc chỉ gửi con khi có việc đột xuất, thì có thể sử dụng dịch vụ gửi trẻ của các trường Ninka/Ninshou Hoikuen hoặc các tổ chức phúc lợi do thành phố giới thiệu.

  • Trường hợp sử dụng dịch vụ tại các trường Ninka/Ninshou Hoikuen:

Độc giả phải liên hệ trực tiếp với các trường để đăng kí sử dụng dịch vụ gửi trẻ gọi là Ichiji Hoiku-一時保育. Chỉ một số trường mới có dịch vụ này, nên bố mẹ cần liên hệ lấy danh sách các trường tại shiyakusho hoặc kuyakusho. Việc gửi trẻ có thể định kỳ hàng tuần, hoặc chỉ khi bố mẹ có việc gấp mới phải gửi con nhưng trước hết bố mẹ phải đăng kí trước khi có đợt đăng kí. Nếu quá hạn đăng kí, các trường sẽ không tiếp nhận nữa mà bố mẹ phải đợi cho đến khi có đợt đăng kí tiếp theo (thường là sang năm). Ví dụ trường gần nhà mình chỉ có đợt đăng kí vào tháng 1 hàng năm mà mình sinh bé tháng 4. Nếu muốn sử dụng dịch vụ này thì ngay từ khi có bầu chưa đẻ mình phải lo đi đăng kí sớm rồi nhưng do mình không để ý nên đành phải đợi đến tháng 1 sang năm.

Tiền học phí khi gửi trẻ theo dịch vụ này không đắt lắm, tầm 1,000 yeen~3,000 yên/ngày tùy trường và tùy theo độ tuổi em bé.

  • Trường hợp sử dụng dịch vụ tại các tổ chức phúc lợi:

Các tổ chức phúc lợi có tên tiếng Nhật là 子育て支援センター hoặc 子育てサポートセンター. Bạn có thể lấy danh sách các tổ chức này từ cơ quan quận hoặc thành phố. Những tổ chức này sẽ giúp đỡ bạn trông trẻ khi có việc đột xuất, hoặc đơn giản là khi bố mẹ quá mệt mỏi trong việc chăm sóc con cái. Ngoài trông con họ còn có thể tư vấn các vấn đề liên quan đến nuôi dạy con cái. Sử dụng dịch vụ này có tốn phí và thường tính theo giờ. Như tại nơi mình ở giá tiền là 700~900 yên/h.

3. Tóm tắt

Trên đây Momiji đã tổng kết cho độc giả về các loại hình nhà trẻ ở Nhật. Trong các bài viết sắp tới, mình sẽ giải thích quá trình đăng kí xin nhà trẻ tại Nhật, một số kinh nghiệm xin nhà trẻ tại Nhật qua kinh nghiệm, và cả thất bại của bản thân nhé. Xin chúc các mẹ xin nhà trẻ cho con đều được nhận giấy báo đỗ nhé!

Các bài viết tương tự:

News: Miễn phí học phí mầm non từ 3~5 tuổi tại Nhật từ tháng 10/2019!

Chi phí giáo dục từ mầm non (yochien) đến cấp 3 tại Nhật.

Momiji

Momiji's family là website dạng blog nhằm cung cấp và chia sẻ các thông tin và kinh nghiệm về cuộc sống của người Việt đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Nội dung của trang được xây dựng bởi một gia đình nhỏ gồm 4 thành viên, sống tại Kanto gần 10 năm. Momiji's family mong muốn sẽ trở thành một kênh thông tin đáng tin cậy và hữu ích, là diễn đàn kết nối cộng đồng các gia đình người Việt tại Nhật. Chúc cho cộng đồng người Việt Nam ngày càng lớn mạnh và gặt hái nhiều thành công!

Leave a Reply

English日本語Tiếng Việt
error: Content is protected !!
%d bloggers like this: