Tiêm phòng cúm tại Nhật và những điều cần lưu ý

Xin chào độc giả của Momiji’s Family!  Hiện tại đã vào giữa tháng 12 ở Nhật, thời tiết đã trở nên rất lạnh. Đây cũng là thời điểm chuyển mùa và dễ mắc các bệnh truyền nhiễm ở Nhật, đặc biệt là bệnh cúm. Momiji và con gái đã từng bị mắc cúm A năm ngoái, do đó đã được nếm mùi đau khổ mấy ngày trời sốt cao liên tục và không ăn uống được gì. Do đó năm nay mình đã chủ động tìm hiểu và đưa cả gia đình đi tiêm phòng cúm. Trong bài viết này, mình xin được chia sẻ các thông tin căn bản liên quan đến tiêm phòng cúm tại Nhật để độc giả cùng tham khảo nhé!

1. Các loại virus cúm tại Nhật

Hiện nay có ba loại virus cúm phổ biến đó là cúm A (A型), cúm B (B型) và cúm C(C型) . Trong đó cúm A là loại nặng nhất, có xu hướng biến đổi triệu trứng liên tục qua từng năm. Cúm A được ghi nhận có tới 144 chủng khác nhau và hai loại phổ biến nhất là A/H1N1 và A/H3N2. Cúm C là loại cúm nhẹ nhất, chỉ như bị cảm thông thường.

Nguồn tham khảo: https://www.kenpo.gr.jp/sgh/contents/03hoken/influenza

Bản thân mình và con gái đã mắc cúm A năm ngoái 2018. Thực sự là không có thể tả nổi sự mệt mỏi khi mắc cúm. Mình và con gái nằm sốt li bì mấy ngày và hầu như không ăn uống được gì cả. Sau khi mắc cúm bác sỹ căn dặn phải ở trong nhà ít nhất 5-7 ngày đề ngăn ngừa vi rút cúm phát tán lây lan cho người khác. Vậy nên mình vừa phải xin nghỉ làm vừa phải trông con tại nhà vì con cũng không được phép đi trẻ. Do đó Momiji xin được lưu ý mọi người, nên chủ động các biện pháp phòng ngừa, mà trong bài viết này mình xin được nhấn mạnh đó là việc tiêm chủng phòng cúm nhé!

2. Vắc xin tiêm phòng cúm tại Nhật

Bên cạnh việc vệ sinh răng miệng và rửa tay thường xuyên để đề phòng virus cúm, tiêm phòng vắc xin cảm cúm được coi là một trong biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa bệnh. Tác dụng của mũi vắc xin cúm bao gồm:

– Giảm thiểu tới 70% nguy cơ mắc các bệnh cúm A và cúm B.

– Giảm nhẹ các triệu chứng cảm cúm ngay cả khi không may nhiễm virus cúm.

– Mỗi mũi tiêm chỉ có hiệu lực đề kháng trong khoảng 5 tháng. Do đó cần thiết hàng năm đều phải tiêm nhắc lại.

Mũi tiêm phòng cúm được thực hiện tại các phòng khám nội khoa (内科-Naika clinic) từ tháng 10~ tháng 12 hàng năm. Nếu độc giả nào còn chưa kịp tiêm phòng thì đến thời điểm này vẫn còn kịp. Hãy nhanh chóng liên hệ để đặt lịch tiêm phòng cho bản thân và gia đình nhé.

Tiêm phòng cúm ở Nhật không giống nhau cho người lớn và trẻ em.

  • Đối với người trên 13 tuổi, chỉ tiêm một mũi trong một năm.
  • Đối với trẻ em từ 0 tuổi đến 13 tuổi phải tiêm hai lần trong năm. Lần một cách lần hai ít nhất 2 tuần. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi vẫn còn đề kháng từ mẹ, nên không cần thiết phải tiêm phòng cúm.

3. Lưu ý khi tiêm phòng cúm tại Nhật

  • Nên chọn ngày đi tiêm là ngày bạn cảm thấy khỏe khoắn, vì sau khi tiêm vắc xin sẽ có một lượng nhỏ virus cúm vào cơ thể khiến bạn dễ dàng cảm thấy mệt mỏi. Em bé nhỏ nhà mình 8 tháng sau khi tiêm cũng có các triệu trứng sốt cao (lên tới gần 39 độ), ho nhẹ và sổ mũi.
  • Sau khi tiêm phòng cúm, bạn vẫn có thể sinh hoạt bình thường nhưng tránh hoạt động thể chất và uống rượu bia.
  • Vết tiêm phòng cúm có thể bị áp xe và sưng lên. Nên tránh gãi và sờ vào vị trí tiêm cũng như kì cọ mạnh khi vệ sinh cơ thể. Cả gia đình mình sau khi tiêm đều áp xe sưng rất to 3-5 ngày mới hết. Tuy nhiên hai bé nhà mình khi tiêm nhắc lại thì không thấy bị sưng lên nữa.

4. Chi phí tiêm phòng cúm tại Nhật

Mũi tiêm phòng cúm tại Nhật là mũi tiêm tốn phí. Chi phí trung bình là khoảng 3,000 yên~4,000 yên một mũi. Gia đình mình ở Kawasaki, Kanagawa chi phí một mũi tiêm là 3,500 yên/mũi.

Tuy nhiên, tại hầu hết các quỹ bảo hiểm của các công ty (Không phải là bảo hiểm quốc dân) đều có trợ cấp một phần chi phí tiêm phòng cúm. Ví dụ tại công ty Momiji đang làm thuộc quỹ bảo hiểm dành cho các công ty trong ngành ô tô, thì mỗi mũi tiêm cúm cho nhân viên và người phụ thuộc được hỗ trợ lại 1,000 yên. Tham khảo: http://www.js-kenpo.jp/member/health/hojokin.html

Hoặc như quỹ bảo hiểm Aichi ken dành cho người lao động tại các công ty thuộc tỉnh Aichi, có phát vé hỗ trợ tiêm phòng cúm. Chi tiết tại: https://kenporen-aichi.jp/influenza

Chi phí hỗ trợ cụ thể tùy thuộc vào chế độ cua từng quỹ bảo hiểm. Độc giả có thể liên hệ trực tiếp với bộ phận hỗ trợ nhân sự của công ty, hoặc vào trang chủ của quỹ bảo hiểm để được nhận thông tin chi tiết nhé.

Tham khảo thêm: 9 cách để tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh tại Nhật

Momiji xin kết thúc chia sẻ của mình tại đây, mong rằng chia sẻ sẽ góp thêm một số thông tin hữu ích để các độc giả nếu đang băn khoăn về việc tiêm phòng cúm tham khảo. Chúc độc giả của Momiji’s Family một ngày mới nhiều niềm vui!

 

 

 

Momiji

Momiji's family là website dạng blog nhằm cung cấp và chia sẻ các thông tin và kinh nghiệm về cuộc sống của người Việt đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Nội dung của trang được xây dựng bởi một gia đình nhỏ gồm 4 thành viên, sống tại Kanto gần 10 năm. Momiji's family mong muốn sẽ trở thành một kênh thông tin đáng tin cậy và hữu ích, là diễn đàn kết nối cộng đồng các gia đình người Việt tại Nhật. Chúc cho cộng đồng người Việt Nam ngày càng lớn mạnh và gặt hái nhiều thành công!

Leave a Reply

English日本語Tiếng Việt
error: Content is protected !!
%d bloggers like this: