9 cách để tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh tại Nhật

  Chào các bạn, chắc hẳn trong ngân sách của mỗi gia đình, chi phí y tế, chi phí khám chữa bệnh là một trong các chi phí dự phòng mà chúng ta cần để dành đầu tiên. Có lẽ rất nhiều người nghĩ rằng khám chữa bệnh tại Nhật rất đắt đỏ. Vì thế Momiji’s Family thấy có nhiều bạn du học sinh khi có bệnh đều cố chịu đựng mà không đi khám. Tuy nhiên bạn có biết, có rất nhiều cách để tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh tại Nhật. Trong bài viết này, Momiji ‘s Family xin được chia sẻ 9 cách để tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh tại Nhật nhé.

  Đây là kinh nghiệm Momiji đúc kết trong quá trình sinh sống tại Nhật và tham khảo các website về bảo hiểm bằng tiếng Nhật. Nếu độc giả có các kinh nghiệm quý báu khác, hãy chia sẻ ở mục comment cho Momiji biết với nhé:)

Giải mã gen tại Nhật
Set giải mã gen, khám phá tài năng bên trong của con bạn chỉ từ 25,000 yên ~. Chi tiết Tại đây

Phần 1. Tiết kiệm chi phí khám bệnh ở Nhật

1. Luôn mang thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám

  Đây chắc chắn là điều căn bản nhất các bạn cần phải nhớ khi đi khám bệnh tại Nhật. Thông thường bảo hiểm sẽ hỗ trợ 70% chi phí khám bệnh tại Nhật và bạn chỉ trả 30% còn lại tại quầy. Nếu không mang theo thẻ bảo hiểm, tất nhiên bạn sẽ phải trả 100% và số tiền thông thường ít nhất cũng tầm 10,000 yên (2tr VND~) trở lên.

  Nếu sau đó bạn đem thẻ bảo hiểm đến nơi đã khám bệnh, hoặc đăng kí lại với công ty bảo hiểm thì sẽ được trả lại 70%. Tuy nhiên nếu quên mang thẻ bảo hiểm đến phòng khám trong thời gian quy định thì nguy cơ không nhận lại được tiền sẽ rất cao. Khi đó bạn phải trực tiếp đăng kí lên công ty bảo hiểm và thủ tục đăng kí có lẽ khá rắc rối với các bạn không biết tiếng Nhật. Nhiều lúc do ngại phiền hà mà mình thường không liên lạc với công ty bảo hiểm nữa.

  Do đó, để chắc chắn nhất, bạn hãy mang theo thẻ bảo hiểm mỗi khi đi khám bệnh nhé!

2. Hãy trung thành với một phòng khám thay vì đi nhiều phòng khám khác nhau

  Khi khám bệnh ở một phòng khám mới, bạn luôn phải tốn một khoản phí gọi là phí khám bệnh lần đầu 初診料-Shoshinryo. Phí này tùy phòng khám sẽ dao động từ 1,500 yên ~3,000 yên (300k ~600k VND). Do đó nếu bạn thay đổi nhiều phòng khám khác nhau thì tiền cho phí khám bệnh lần đầu sẽ khá tốn kém đúng không nào? Kinh nghiệm của Momiji’s Family là chọn phòng khám có nhiều khoa nhất có thể để chỉ cần theo một phòng khám. Ví dụ phòng khám vừa khám nội khoa (内科-Naika), vừa khám dị ứng (アレルギー科-Alerugika), vừa có các dịch vụ tiêm phòng (予防接種-Yobosesshyu)…

  Ngoài ra, lợi ích của việc chỉ theo một phòng khám là các bác sỹ sẽ nắm được tình hình sức khỏe của mình tốt hơn và cho lời khuyên tốt nhất cho bệnh tình của mình. Trong trường hợp mắc bệnh nặng cần điều trị tại các bệnh viện lớn hay bệnh viện chuyên khoa, các bác sỹ phòng khám sẽ sẵn sàng viết giấy giới thiệu nên khi đến các bệnh viện lớn, bạn sẽ không phải trả tiền gọi là phí khám chữa bệnh đặc biệt (特別料金) ở các bệnh viện lớn nữa.

3. Hạn chế đi khám ở các bệnh viện lớn nếu không phải trường hợp bất khả kháng

  Ở Nhật, bệnh viện có từ 200 giường bệnh trở lên được coi là bệnh viện lớn. Khi đi khám ở đây, ngoài phí khám bệnh lần đầu 初診料-Shoushinryo bạn sẽ tốn một khoản phí gọi là phí khám chữa bệnh đặc biệt 特別料金-Tokubetsu ryokin. Phí này dao động từ 2,000 yên~8,000 yên tùy bệnh viện. Nếu có giấy giới thiệu (紹介状-Shoukaijou) thì phí này sẽ được miễn phí. Vì vậy Momiji’s Family khuyên bạn hãy theo khám ở phòng khám clinic trước, khi nào có giấy giới thiệu thì hẵng đi đến bệnh viện nhé.

  Tất nhiên, lời khuyên này không dành cho trường hợp bệnh nặng phải cấp cứu hoặc bị ốm đúng vào ngày nghỉ của phòng khám clinic nhé!!

4. Tận dụng hỗ trợ tiêm chủng và khám sức khỏe từ Shi hoặc công ty đang làm việc

  Bạn có biết, một số loại tiêm chủng phổ biến như tiêm chủng cúm, tiêm chủng ung thư cổ tử cung cho phụ nữ… đa số đều có hỗ trợ từ Shi hoặc công ty bảo hiểm nơi bạn làm việc? Ví dụ ngày trước mình sống ở Chiba, thành phố Nagareyama, trên Shi gửi giấy thông báo mình có thể đi tiêm chủng ung thư cổ tử cung miễn phí. Hoặc ở công ty mình làm việc có hỗ trợ tiêm phòng cúm Influenza chỉ mất 1,000 yên (200k VND) thay vì nếu bình thường mình sẽ phải mất 3,000 yên (600k VND) cho mũi tiêm phòng cúm.

  Ngoài ra đối với khám sức khỏe định kỳ mà bạn là nhân viên công ty, thì bạn hãy đợi đến các đợt khám bệnh định kì của công ty nhé. Thông thường các công ty đều cung cấp dịch vụ khám bệnh miễn phí cho nhân viên hàng năm, đối với nhân viên từ 35 tuổi trở lên thì còn có dịch vụ khám chuyên sâu hơn gọi là 人間ドック-Ningendokku mà nếu bình thường đến bệnh viện sẽ tốn khoảng trên 2man yên (4trVND~).

  • Tầm soát ung thư tại Nhật

  Bạn có biết, ngay cả một số bệnh ung thư phổ biến như ung thư đại tràng, ung thư vú… bạn có thể được khám tầm soát với chi phí rất thấp? Ung thư hiện nay là một trong những căn bệnh phổ biến nhất Nhật Bản, do đó nhiều thành phố đã tiến hành tầm soát ung thư đại trà hàng năm cho một số bệnh ung thư phổ biến như: Ung thư đại tràng, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư gan, dạ dày… Hiện tại mình sống ở Kawasaki, phụ nữ trên 20 tuổi có thể khám tầm soát ung thư cổ tử cung với chi phí 1,000 yên (200k VND). Hay cư dân trên 40 tuổi được khám ung thư phổi định kì hàng năm với chi phí chỉ 900 yên (~180k vnd). Thông tin đều được niêm yết rõ trên trang web của thành phố, bạn có thể tìm hiểu chế độ tại nơi mình ở để được hưởng chế độ nhé! (Tham khảo thông tin của thành phố Kawasaki tại: http://www.city.kawasaki.jp/350)

  Do đó trước khi có ý định tiêm phòng hoặc khám bệnh định kì, bạn hãy tìm hiểu chế độ hỗ trợ tại nơi ở hoặc nơi mình làm việc để tiết kiệm chi phí nhé.

Phần 2. Tiết kiệm chi phí nằm viện, điều trị phẫu thuật tại Nhật

5. Sử dụng chế độ giới hạn chi phí y tế và giấy chặn viện phí

  Trong trường hợp phải nhập viện dài ngày hoặc điều trị các bệnh nặng, nếu bạn không tham gia các bảo hiểm của các công ty bảo hiểm tư nhân mà chỉ tham gia bảo hiểm quốc dân hoặc bảo hiểm của công ty nơi bạn làm việc thì bạn chỉ được hỗ trợ 70% chi phí.

  Dù chỉ phải trả 30% nhưng chi phí nằm viện hay điều trị phẫu thuật tại Nhật rất đắt đỏ, số tiền phải trả lên tới vài chục man một lần là chuyện bình thường. Khi đó việc bạn cần phải làm ngay, đó là đăng kí lên công ty bảo hiểm để xin giấy chặn viện phí gọi là 限度額適用認定書-Gendogakutekiou Ninteisho để sử dụng chế độ giới hạn chi phí y tế.

Khi đăng kí chế độ này, tùy vào mức thu nhập của bạn, người ta sẽ giới hạn mức phải trả cho chi phí y tế trong một tháng. Mức này quy định như sau:

医療高額限度制度
Mức trần chi phí y tế dựa theo thu nhập

※: Tổng chi phí khám chữa bệnh được tính là 100% chi phí khám chữa bệnh (không phải là 30% còn lại sau khi đã được bảo hiểm hỗ trợ)

Để hiểu thêm về quy định này, độc giả có thể tham khảo thêm tại website của bảo hiểm: Kyoukaikenpo

Nếu độc giả không hiểu tiếng Nhật có thể tham khảo bài viết của Momiji tại : Tìm hiểu chế độ giới hạn chi phí y tế 高額療養費制度

  Lưu ý là bạn cần phải trình giấy chặn viện phí 限度額適用認定書-Gendogakutekiyou Ninteisho khi thanh toán viện phí thì sẽ chỉ phải trả mức trần như đã nói ở trên. Nếu đăng kí mà chưa nhận được giấy chặn viện phí 限度額適用認定書-Gendogakutekiyou Ninteisho kịp thì mình sẽ phải trả hết 30% chi phí sau khi được bảo hiểm hỗ trợ 70%. Sau đó mình sẽ nhận lại mức chênh lệch từ công ty bảo hiểm.

  Do đó lời khuyên của Momiji’s Family là hãy lập tức đăng kí với công ty bảo hiểm để nhận giấy càng sớm càng tốt. Khi đó mình có thể kiểm soát được mức trần chi phí mà không phải lo không đủ tiền đóng viện phí nhé.

社会保険証
Địa chỉ tên cơ quan bảo hiểm trên thẻ bảo hiểm y tế

  Thủ tục đăng kí nhận giấy chặn viện phí 限度額適用認定書-Gendogakutekiyou Ninteisho rất đơn giản, bạn chỉ cần điền vào tờ đăng ký. Link tải tại đây: 医療限度額認定申請書.

  Sau đó phô tô thêm thẻ bảo hiểm và gửi bưu điện đến địa chỉ công ty bảo hiểm ghi trên thẻ bảo hiểm của bạn. Thời gian nhận giấy thì tùy từng đơn vị bảo hiểm, với bảo hiểm công ty Momiji đang làm việc thì chỉ mất có 3 ngày là đã nhận được giấy gửi về.

Trường hợp bạn theo bảo hiểm quốc dân, hãy đến quầy bảo hiểm tại Shi nơi bạn ở để đăng kí. Giấy 限度額適用認定書-Gendogakutekiyou Ninteisho sẽ được phát trực tiếp tại quầy sau khi hoàn thành các thủ tục.

6. Đăng kí nhận trợ cấp trong trường hợp bị bệnh phải nghỉ làm từ 4 ngày trở lên(傷病手当金-Shoubyou Teatekin)

  Trường hợp bị bệnh hoặc phải phẫu thuật, bạn phải nằm viện trên 4 ngày thì bạn có quyền xin trợ cấp tiền lương. Điều kiện để được nhận trợ cấp này bao gồm:

– Bị bệnh hoặc tai nạn không phải do công việc hoặc không phải trong khi đang làm việc. Ví dụ nếu như bạn bị tai nạn trong khi đang làm việc ở công ty hoặc đang đi làm đến công ty thì không thuộc chi trả trường hợp này. Khi đó bảo hiểm tai nạn lao động(労働災害保険-Roudousaigaihoken) sẽ chi trả cho bạn.

– Nằm viện trên 4 ngày và được chứng nhận không đủ khả năng làm việc. Bác sỹ sẽ phải viết cho bạn giấy chứng nhận này. Bảo hiểm sẽ trợ cấp cho bạn 2/3 tiền lương từ ngày điều trị thứ 4 trở đi.

– Thời gian nằm viện bạn không được hưởng lương của công ty.

Số tiền được nhận trợ cấp được tính bằng 2/3 tiền lương một ngày x số ngày điều trị tính từ ngày thứ 4 trở đi. Số ngày tối đa nhận được trợ cấp này là 1 năm 6 tháng.

Phần 3. Tiết kiệm chi phí mua thuốc tại Nhật

7. Dùng sổ thuốc cá nhân (おくすり手帳-Okusuritechou) và mua thuốc tại một hiệu thuốc cố định.

  Khi mang theo sổ thuốc cá nhân (おくすり手帳-Okusuritechou) thì phí kê thuốc sẽ rẻ hơn một chút. Con số tiết kiệm này không đáng kể lắm chỉ khoảng ~100 yên một lần nhưng quan trọng là sổ thuốc giúp mình ghi chép lại lí lịch dùng thuốc của bản thân. Nhờ đó các bác sỹ sẽ nắm được tình hình sức khỏe của mình dễ dàng hơn.

  Thêm vào đó, lời khuyên mua thuốc tại một hiệu thuốc cố định có thể giúp bạn tích điểm khi đi mua thuốc. Momiji’s Family khuyên bạn nên mua thuốc tại các hiệu thuốc ở Drug store hoặc trung tâm mua sắm. Bạn có thể dùng thẻ tích điểm để vừa mua hàng bình thường và vừa mua thuốc nữa.

8. Sử dụng thuốc Generic (ジェネリック).

  Tại Nhật, khi một loại thuốc mới được phát hành thì các công ty dược được đăng kí bản quyền với loại thuốc đó. Sau khi thời hạn bản quyền đã hết, các công ty dược khác được phép sản xuất thuốc với các thành phần giống hệt như thuốc mới và loại này được gọi là thuốc Generic (ジェネリック薬). Thuốc Generic (ジェネリック薬) có thành phần và công dụng giống hệt với thuốc mới, nhưng lại không tốn chi phí nghiên cứu chế tạo cũng như quảng cáo. Do đó thuốc Generic rẻ hơn so với thuốc mới khá nhiều. Chỉ bằng khoảng 50% giá thành của thuốc mới.

  Khi đến hiệu thuốc, dược sỹ sẽ hỏi bạn có muốn dùng thuốc Generic hay không. Hãy đừng ngần ngại trả lời là có, chi phí mua thuốc của bạn sẽ giảm đáng kể đấy!

Phần 4. Tiết kiệm chi phí y tế bằng cách xin hoàn thuế thu nhập cá nhân

9. Sử dụng chế độ hoàn thuế thu nhập cá nhân nếu chi phí y tế một năm trên 10 man.

  Nếu trong vòng một năm tính từ ngày 1/1 đến 31/12, tổng chi phí dành cho khám chữa bệnh tại Nhật của cả gia đình (gồm người nộp thuế và người phụ thuộc) lớn hơn 10 man yên/năm, bạn có thể đăng kí lên cục thuế 確定申告-Kakuteishinkoku để nhận hoàn thuế thu nhập.

  Trường hợp thu nhập thấp dưới 200 man/năm và chi phí dành cho y tế lớn hơn 5% thu nhập, bạn cũng có thể đăng kí để nhận hoàn thuế. Tuy nhiên công thức tính số tiền miễn trừ vào thu nhập sẽ khác một chút.

                  Số tiền miễn trừ vào thu nhập tính thuế được tính như sau:

Trường hợp thu nhập tính thuế >200 man Trường hợp thu nhập tính thuế < 200 man
= Tổng chi phí y tế – tiền trợ cấp từ bảo hiểm – 10 man = Tổng chi phí y tế – tiền trợ cấp từ bảo hiểm- 5% x thu nhập

  Ví dụ: Thu nhập tính thuế của bạn là 500 man, khi này mức thuế thu nhập bạn phải nộp là 20% và thuế thị dân là 10%. Trong năm trước tổng chi phí y tế của gia đình bạn là 60 man, trong đó bạn được bảo hiểm cho lại 42 man tiền trợ cấp sinh đẻ. Vậy số tiền miễn trừ vào thu nhập tính thuế là:  60 man – 42 man – 10 man = 8 man.

  Khi đó số tiền được hoàn thuế bạn sẽ nhận lại là:  8 man x 20% (hoàn thuế thu nhập) + 8 man x 10% (hoàn thuế thị dân) =2,4 man. Không phải là số tiền ít đúng không nào?

  Trên đây, Momiji đã giới thiệu cho các bạn 9 cách để tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh tại Nhật. Mong rằng đây sẽ là những thông tin hữu ích cho các bạn sống tại Nhật hiểu thêm về chế độ y tế của nước Nhật. Khi có bệnh hãy đừng ngần ngại đến phòng khám và bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời nhé.

  Để tổng kết lại bài viết, Momiji’s Family xin được liệt kê lại danh sách 9 tips để tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh tại Nhật nhé!

1. Luôn mang thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám.

2. Hãy trung thành với một phòng khám thay vì đi nhiều phòng khám khác nhau.

3. Hạn chế đi khám ở các bệnh viện lớn nếu không phải trường hợp bất khả kháng.

4. Tận dụng hỗ trợ tiêm chủng và khám sức khỏe định kì từ Shi hoặc công ty đang làm việc.

5. Sử dụng chế độ giới hạn chi phí y tế(医療限度額制度-iryougendogaku seido) để giới hạn chi phí y tế trong một tháng.

6. Đăng kí nhận trợ cấp trong trường hợp bị bệnh phải nghỉ làm từ 4 ngày trở lên(傷病手当金-Shoubyou Teatekin).

7. Dùng sổ thuốc cá nhân (おくすり手帳-Okusuritechou) và mua thuốc tại một hiệu thuốc cố định.

8. Sử dụng thuốc Generic (ジェネリック).

9. Sử dụng chế độ hoàn thuế thu nhập cá nhân nếu chi phí y tế một năm trên 10 man.

Momiji

Momiji's family là website dạng blog nhằm cung cấp và chia sẻ các thông tin và kinh nghiệm về cuộc sống của người Việt đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Nội dung của trang được xây dựng bởi một gia đình nhỏ gồm 4 thành viên, sống tại Kanto gần 10 năm. Momiji's family mong muốn sẽ trở thành một kênh thông tin đáng tin cậy và hữu ích, là diễn đàn kết nối cộng đồng các gia đình người Việt tại Nhật. Chúc cho cộng đồng người Việt Nam ngày càng lớn mạnh và gặt hái nhiều thành công!

5 thoughts on “9 cách để tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh tại Nhật

  • Pingback:Thủ tục cần làm sau khi sinh con tại Nhật Bản - Momiji's Family

  • 01/07/2019 at 09:21
    Permalink

    Chế độ nhận trợ cấp sinh con (42man) khi sinh ở bệnh viện không làm thủ tục cho thì mình phải làm thủ tục như thế nào !?!? Add hãy viết thêm về phần này nhé !!! Cảm ơn

    Reply
    • 01/07/2019 at 10:40
      Permalink

      Chào Châu, do đa số các bệnh viện hiện nay đều liên kết trực tiếp với công ty bảo hiểm để lấy trợ cấp sinh con một lần (42man) nên mình chưa ưu tiên viết nội dung đó. (Do mình cũng đang chăm hai bé nhỏ nên ko có nhiều thời gian lắm hi). Bạn có cần trợ giúp gì về vấn đề này mình có thể giải đáp nhanh cho bạn: Nếu bệnh viện không làm thủ tục cho bạn, bạn sẽ phải trả trước số tiền sinh bé tại bệnh viện (Khá nhiều tiền nên bạn nên chuẩn bị khoảng 70man cho yên tâm). Sau khi sinh bé và làm thủ tục khai sinh cho bé xong, bạn chuẩn bị giấy chứng sinh của bệnh viện hoặc giấy khai sinh, sổ mẹ và bé và liên hệ với công ty bảo hiểm lấy lại 42man. Nếu theo bảo hiểm quốc dân thì bạn lên trực tiếp Shiyakusho hoặc kuyakusho. Nếu bạn theo bảo hiểm xã hội thì bạn liên hệ với phòng nhân sự của công ty của bạn (hoặc công ty chồng bạn nếu phụ thuộc chồng) sẽ được hướng dẫn mẫu đơn xin lại 42 man. Sau khi điền đầy đủ giấy tờ bạn nộp cho công ty bảo hiểm là OK. Tiền sẽ trả lại sau 1 đến 2 tháng. Chúc bạn nhiều sức khỏe và thai kì thuận lợi nhé!

      Reply
  • 10/10/2019 at 18:21
    Permalink

    Chào anh/chị Momiji. Em muốn hỏi chi phí cho phẫu thuật xoang/polyp mũi tại nhật khoảng bao tiền sau bảo hiểm ạ? Em muốn về việt nam cho dễ đường thăm khám và chăm sóc từ gia đình nhưng nếu chi phí tại nhật không quá tốn kém em sẽ phẫu thuật tại đây luôn. Mong sớm nhận được câu trả lời của anh/chị.

    Reply
    • 10/10/2019 at 22:51
      Permalink

      Chào bạn, mình chưa làm phẫu thuật kiểu này tại Nhật nên có tham khảo qua một số website của Nhật. Họ có nói phẫu thuật cắt polyp mũi là thủ thuật có thể thực hiện trong ngày. Chi phí có thể tuỳ bv nhưng một pk chuyên khoa tai mũi họng tokyo nói chỉ mất 6,200 yên chưa kể tiền thuốc và khám lần đầu. Theo mình thì tổng chi phí sẽ k quá nhiều đâu. Link website của pk mình nói là đây: http://www.haruno-orl.com/sp/original8.html

      Reply

Leave a Reply

English日本語Tiếng Việt
error: Content is protected !!
%d bloggers like this: