Kể chuyện bị cúm khi mang thai tuần 31 ở Nhật.

  Chào các mẹ bầu, hôm nay bài viết của mình hơi mang tính chất tự sự là chính để nhớ lại vụ làm mình hết hồn gần đây, đó là mình bị chuẩn đoán bị cúm A khi mang thai tại tuần thứ 31. Đợt này mình mang thai ba tháng cuối lại đúng vào mùa đông của Nhật. Năm nay dịch cúm influenza tại Nhật phải gọi là kinh khủng nhất từ trước đến giờ. Ngày nào trên tin tức cũng phát đi thời sự cập nhật cảnh báo dịch cúm làm mình cũng chả dám đi đâu hoặc lúc nào cũng kè kè khẩu trang bên mình.

  Tuy nhiên bé lớn nhà mình đi trẻ rồi bị cúm A, mình ở nhà chăm bé luôn đeo khẩu trang sợ bị lây. Thế mà cẩn thận thế rồi tuần sau đó mình cũng dính. Cái giống cúm nó khó chịu kinh khủng, lúc đầu mình chỉ mong là bị cảm xoàng, nhưng tối đến bắt đầu sốt cao và lạnh, đầu đau và người rũ cả ra. Dù em bé trong bụng vẫn đạp nhè nhẹ nhưng thực sự lúc đó mình lo lắng rối bời lắm.

  Mình nằm li bì rồi nghĩ đủ thứ, nghĩ thương bé lớn tuần trước bị ốm chắc cũng mệt như mình bây giờ, lo mình bầu bí bị ốm giờ không uống được thuốc bao giờ mới khỏi, rồi lại lo cho con trong bụng không biết có ảnh hưởng gì không, rồi lại lo ốm đau không có sức cơm nước chăm con hik hik. Có lúc cơn sốt mình lên đến 39 độ, cả người như hòn lửa mà mình đọc đâu đó là nhiệt độ mẹ tăng 1 độ là nhiệt độ nước ối của con tăng 3-4 độ, gây nguy hiểm cho thai nhi. Nghĩ vậy mình lại càng sợ và lo lắng.

  Sáng sớm 8h sáng, mình đánh bạo gọi điện đến bệnh viện nơi mình khám thai định kì, xin bác sỹ cho siêu âm để kiểm tra em bé. Dù nói với bác sỹ là mình sốt đến 39 độ và rất lo cho e bé, nhưng bác sỹ chỉ hỏi mình có đau bụng không? có ra máu không? Mình trả lời không thế là họ kêu đi khám nội khoa (内科-Naika), nếu bị ra máu hoặc đau bụng thì gọi lại cho họ.

  Mình kêu là không yên tâm và sợ đang bị cúm nên muốn siêu âm xem con có bị làm sao không? Hik hik ai dè bệnh viện trả lời: “Nếu mày mà bị cúm thì không được đến bệnh viện khám thai, vì sẽ lây cho các mẹ bầu khác. Nếu bác sỹ nội khoa chuẩn đoán bị cúm, mày phải ở nhà khi nào được phép ra ngoài (thông thường là phải sau 5-7 ngày) thì mới được đến bệnh viện khám thai lại. Chỉ khi nào bị ra máu, đau bụng hoặc không cảm thấy em bé đạp trong bụng thì liên lạc lại với chúng tao”

  Mình cố vớt vát: “Nhưng tôi có lịch khám thai định kỳ 3 ngày nữa, chẳng lẽ 3 ngày nữa tôi cũng không được đến bệnh viện khám thai à?” Bác sỹ nghe vậy, yêu cầu mình nếu bị chuẩn đoán cúm, bắt buộc phải gọi điện lại hủy lịch khám thai định kỳ. (Hu hu hết luôn hi vọng)

  Chán lắm rồi nhưng mình vẫn cố hỏi thêm: “Thế bầu đến thời điểm này rồi, giả sử tôi bị cúm A thật thì có làm sao không?” Bs trả lời: “Không sao đâu yên tâm đi! ” Rồi cúp máy 🙁

  Sau khi gọi điện đến bệnh viện, dù yên tâm hơn chút nhưng mình vẫn hơi hụt hẫng, nghĩ bụng sao ở Nhật bác sỹ lạnh lùng và nguyên tắc thế. Rồi lại lo nếu con có làm sao mà mình không biết do không đi siêu âm được, lúc đó bệnh viện có chịu trách nhiệm cho mình không…

  Thế rồi 9h sáng mình đến phòng khám nội khoa gần nhà khám. Lúc này virut càng mạnh hay sao ấy, cộng với cái bụng to làm mình mệt và kiệt sức cứ vật vờ ở cái ghế chờ khám. Mùa cúm nên phải đến hơn chục bệnh nhân đã chờ sẵn trong phòng khám, gần tiếng rưỡi mới tới lượt mình. Vào đến nơi, sau khi kể lại triệu chứng, ông bác sỹ lấy cái que dài có tẩm bông gòn chọc sâu vào mũi mình (sâu lắm, không thấy đau nhưng ngứa ngáy khó chịu kinh khủng) lấy dịch xét nghiệm. Kết quả đúng như mình lo lắng, mình đã bị cúm A. :(((

  Dường như biết mẹ bầu mình đang lo lắng tột độ, ông bác sỹ nội khoa bèn đi lấy một quyển sách về thuốc chuyên dành cho các bà bầu, mở ra và chỉ cho mình xem là ông sẽ cho mình loại thuốc Inabiru(イナビル) và trong sách có ghi rõ là hoàn toàn an toàn cho phụ nữ có thai.

  Đây không phải là thuốc uống hàng ngày mà là một loại thuốc hít vào họng. Mang đơn thuốc đến hiệu thuốc dược sỹ sẽ hướng dẫn cách hít thuốc tại hiệu thuốc và chỉ cần đúng một liều đó, không cần mang thuốc về nhà hay uống thêm loại thuốc nào khác. Khi mang đơn ra hiệu thuốc, mình hỏi thêm lần nữa thuốc này phụ nữ mang bầu uống được không? Ông dược sỹ khẳng định lại lần nữa là an toàn mình mới dám nhắm mắt hít ống thuốc vào họng.

  Hít hai ống thuốc và thanh toán hết khoảng 1600 yên tiền thuốc (bảo hiểm đã hỗ trợ 70%). Thuốc trông như thế này này:

Thuốc trị cảm cúm khi mang thai tại Nhật
Thuốc trị cúm A Inabiru cho bà bầu và trẻ em tại Nhật

  Về nhà, mình sẵn mệt và chắc có tý thuốc nên ngủ li bì. Đến chiều tối người mình toát hết mồ hôi và bắt đầu hạ sốt dần dần. Tuy nhiên người vẫn khá mệt và chân tay mỏi rã rời trong cả gần hai tuần sau đó. Hầu như hai tuần bị ốm, mình không ăn uống được gì và gần như chỉ nằm trên giường lúc không phải chăm bé lớn hoặc làm việc nhà.

  Hết hạn bị cấm túc (nghĩa là 7 ngày sau khi bị sốt) mình mới được bệnh viện khám thai đồng ý cho đi siêu âm lại thì đúng là thai trong bụng tăng cân ít hơn hẳn. Bình thường 2 tuần bé tăng đều 400gr thì khi mình bị ốm bé chỉ tăng hơn 300gr trong 3 tuần 🙁 Nhưng may là bác sỹ kiểm tra kêu em bé vẫn khỏe và trong giới hạn chuẩn cân nặng nên mình tạm thời yên tâm chút. Sau đó hai tuần khi khỏe hẳn lại mẹ ăn uống được thì em bé lại tăng cân bình thường (trộm vía hai tuần bé tăng gần 500gr).

  Đến bây giờ nhớ lại lúc bị cúm, mình vẫn còn ngán vì quả thật là nó mệt mỏi và làm mình xuống tinh thần kinh khủng. Đúng là quá trình mang bầu sinh con của người phụ nữ thật lắm gian nan, lo từ khi mới mang bầu cho đến khi sinh bé. Chỉ khi con chào đời khỏe mạnh mới có thể thở phào “nhẹ” một cái. Tại sao lại gọi là thở “nhẹ”, hi hi vì vừa thở xong lại lao vào vào công cuộc chăm con, bỉm sữa, lo con ốm, lo con còi… đúng không các mẹ.

  Để túm lại bài viết này, mình xin được có vài dòng lưu ý các mẹ:

  – Khi mang thai, mẹ nhớ hàng ngày rửa tay súc miệng và tránh hết sức có thể việc bị lây cúm từ người khác. Nếu có thể hãy cách ly khi thành viên trong gia đình bị cúm, dù biết là ở Nhật khó lắm ai ơi :((

  – Khi có dấu hiệu cảm cúm, hãy cứ mạnh dạn đi khám bác sỹ và xin thuốc uống. Mình nghĩ y học giờ tiến bộ rồi, thay vì chịu đựng mẹ nên mạnh dạn uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sỹ để mau chóng bình phục.

  – Khi bị chuẩn đoán cúm, mẹ sẽ không được đến bệnh viện để siêu âm hay khám thai định kỳ nếu không thuộc các trường hợp khẩn cấp như đau bụng, ra máu, vỡ ối… Nên mẹ nhớ gọi điện thông báo cho bệnh viện nơi mình đang thăm khám chứ đừng trực tiếp đến bệnh viện nhé. Tránh việc vì mình mà lại lây cho các mẹ bầu khác nha.

    Cập nhật ngày 7/6/2019: Con trai mình đã chào đời được gần 3 tháng, hoàn toàn khỏe mạnh và tăng cân tốt. Em bé sinh ra ở tuần 38 nặng 3kg2. Khi mang bầu mình có bị cảm hai lần nhưng không uống thuốc, chụp X quang lúc bầu 5 tháng và cúm A lúc 31 tuần. Nói vậy để ủn mông các mẹ, hãy yên tâm chuẩn bị đón con nha! Chúc các mẹ nhiều sức khỏe!

Momiji

Momiji's family là website dạng blog nhằm cung cấp và chia sẻ các thông tin và kinh nghiệm về cuộc sống của người Việt đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Nội dung của trang được xây dựng bởi một gia đình nhỏ gồm 4 thành viên, sống tại Kanto gần 10 năm. Momiji's family mong muốn sẽ trở thành một kênh thông tin đáng tin cậy và hữu ích, là diễn đàn kết nối cộng đồng các gia đình người Việt tại Nhật. Chúc cho cộng đồng người Việt Nam ngày càng lớn mạnh và gặt hái nhiều thành công!

Leave a Reply

English日本語Tiếng Việt
error: Content is protected !!
%d bloggers like this: