Làm thế nào để từ chối đóng tiền xem truyền hình NHK ở Nhật?

  Sống ở Nhật, chắc hẳn các bạn sẽ không hề xa lạ với việc nhân viên đài truyền hình Nhật Bản NHK đến gõ cửa bất thình lình và yêu cầu bạn làm hợp đồng đóng phí xem ti vi hàng tháng. Momiji nhớ rằng cứ mỗi lần chuyển chỗ ở là vài hôm sau nhân viên NHK đến gõ cửa. Nếu mình chưa làm hợp đồng hay không ra mở cửa là họ lại đến tiếp rất phiền phức. Cái sự “dai như đỉa” của nhân viên NHK đến ngay cả người Nhật cũng vô cùng ngán ngẩm, có thời kỳ NHK còn bị phê phán rất nhiều và bị gọi là “vấn nạn của xã hội” (社会問題). Có nhiều người bạn Nhật đã chỉ cho Momiji rằng phí đóng tiền NHK thực ra có rất nhiều cách để từ chối và không cần phải đóng. Vậy phí đóng tiền hàng tháng cho NHK có bắt buộc không? Làm thế nào để từ chối không phải đóng phí này? Trường hợp đã trót kí hợp đồng thì làm sao hủy hợp đồng này? Tất tần tật mình xin chia sẻ trong bài viết này nhé!

1. Tìm hiểu về lệ phí xem truyền hình NHK.

Momiji xin được trích dẫn hai đoạn văn bản quan trọng từ trang web chính thức của NHK. Hãng đã có hẳn hướng dẫn bằng tiếng Việt rồi nhé.

Tại sao tôi lại phải trả lệ phí xem truyền hình cho đài NHK, chỉ vì tôi có máy truyền hình?

Vào năm 1950, Nhật Bản đã ban hành luật phát thanh truyền hình áp dụng cho tất cả mọi người, bất kể mang quốc tịch nào đang cư ngụ tại Nhật Bản. Luật này qui định rằng hãng phát thanh truyền hình Nhật Bản, viết tắt là NHK, là một tổ chức công cộng hoạt động bằng lệ phí do tất cả mọi người xem đài truyền hình này cùng đóng góp đồng đều. Và theo luật nói trên, bất cứ ai có máy truyền hình đều phải ký hợp đồng xem truyền hình với NHK và phải trả lệ phí xem truyền hình.

Trả lệ phí bằng cách nào?

Bạn bắt đầu trả lệ phí từ tháng bạn lắp TV trong nhà. Xin hãy thông báo với NHK để ngừng trả lệ phí, khi bạn không còn TV trong nhà nữa, hoặc khi bạn sắp rời Nhật bản. Có thể dùng thẻ tín dụng để trả lệ phí, hoặc trả qua tài khoản của bạn tại 1 ngân hàng của Nhật bản. Đây là hai cách thuận tiện hơn cả. Ngoài ra bạn còn có thể trả trực tiếp tại ngân hàng, tại bưu điện, hoặc tại các cửa hàng tiện lợi (convenience stores), dùng các hóa đơn mà NHK sẽ gửi đến nhà bạn theo định kỳ.

  Từ hai đoạn văn bản trên cho thấy, chỉ cần có tivi trong nhà (không liên quan đến việc bạn có xem tivi hay không) thì bạn phải kí hợp đồng xem truyền hình với NHK. Và bạn được ngừng trả lệ phí khi không còn TV trong nhà nữa, hoặc sắp về nước. Đến đây chắc hẳn độc giả đã hiểu, việc để từ chối và hủy hợp đồng đóng lệ phí xem truyền hình với NHK chính là việc chứng tỏ “không có tivi trong nhà “. Và sau đây mình xin được giới thiệu một số cách nhé.

Phí xem truyền hình NHK (nguồn: trang chủ NHK)

Tham khảo thêm về tiền lệ phí đóng hàng tháng của NHK tại website chính thức của hãng: http://pid.nhk.or.jp/jushinryo/multilingual/vietnamese

2. Các cách từ chối kí hợp đồng với NHK

  Theo văn bản ở trên, luật truyền hình của Nhật quy định chỉ cần có tivi trong nhà thì phải kí hợp đồng xem truyền hình với NHK, tuy nhiên không hề quy định chế tài hình phạt nào với việc không kí hợp đồng xem truyền hình. Do đó chỉ cần bạn từ chối không kí hợp đồng với NHK, bạn sẽ không phải trả tiền xem truyền hình hàng tháng. (Nguyên văn tiếng Nhật 「NHKと契約することは義務」だけど「NHKと契約しなくても罰則がない」ということです)

2.1. Trường hợp trong nhà không có tivi

  Trường hợp này thì đơn giản rồi, bạn chỉ cần nói nhà không có tivi và không có ý định mua tivi, có thể dẫn họ vào trong kiểm tra. Nhân viên có thể sẽ hỏi bạn có dùng các thiết bị khác để xem tivi ví dụ như điện thoại, máy tính, car navi… không, hãy trả lời Không nhé.

2.2. Trường hợp có TV nhưng không xem

  Mình nghĩ trường hợp này là phổ biến với nhiều người. Đa số mua TV nhưng không xem các kênh của NHK mà chủ yếu xem từ internet…Hoặc nhiều khi cả ngày đi làm tối chỉ về ngủ chả xem TV mấy mà tháng nào cũng tốn 1,310 yên tiền lệ phí. Nên nhiều bạn cảm thấy số tiền này không hợp lý đúng không nào. Để từ chối nhân viên NHK, bạn có thể áp dụng một số cách từ chối sau đây:

  • Cố tình không hiểu tiếng Nhật: Chiêu này chỉ phù hợp với những nhân viên NHK ngại phiền phức thôi. Nếu họ thấy mình không hiểu tiếng họ sẽ ngại không muốn nói chuyện tiếp. Nhưng khả năng cao là họ sẽ lại đến gõ cửa lần nữa mang theo tờ hướng dẫn bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh.
  • Tuyệt đối không để nhân viên NHK biết nhà có TV: Chỉ cần bạn nói là nhà có TV, nhân viên NHK sẽ vin vào luật truyền hình và bắt bạn phải kí hợp đồng cho bằng được. Do đó bạn nên dứt khoát nói rằng mình không có TV. Theo luật, nhân viên NHK không được tự ý vào nhà bạn. Nếu họ cố ý muốn vào kiểm tra (trường hợp nghe có tiếng TV vọng ra từ trong phòng) bạn có thể nói bạn sẽ báo cảnh sát nếu họ cố ý vào. Chắc chắn họ sẽ không dám làm gì tiếp theo đâu.
  • Có thể nói mình không phải là chủ nhà: Khi nhân viên đến yêu cầu kí hợp đồng, bạn có thể nói rằng bạn không phải là chủ nhà. Bạn chỉ đến chơi và chủ nhà đi vắng. Nếu họ hỏi tên họ của bạn, bạn có thể từ chối vì đó là thông tin cá nhân (個人情報-Kojinjouhou) của bạn.
  • Từ chối kí hợp đồng vì không tin tưởng nhân viên có phải là người của NHK hay không: Một cách khác, do người nhân viên đến bấm chuông không hẹn trước, nên bạn có thể vin vào lý do đó rằng bạn không tin chắc rằng người đối diện có phải nhân viên của NHK hay không. Bạn có thể nói rằng, nếu tôi có TV thì tôi sẽ gọi điện trực tiếp với NHK và kí hợp đồng trực tiếp.

  Nói chung, người của NHK rất dai dẳng nên bạn phải khéo léo kết hợp nhiều cách từ chối. Chỉ cần bạn không kí vào hợp đồng xem truyền hình, bạn sẽ không phải trả lệ phí hàng tháng. Và chẳng ai phạt bạn nếu bạn không kí hợp đồng cả!

Tham khảo thêm bài viết tương tự:

Kinh nghiệm làm đăng kiểm xe ô tô 車検-Shaken tại Nhật.

Kinh nghiệm mua bảo hiểm ô tô tại Nhật

3. Cách hủy hợp đồng với NHK

  Nếu bạn đã trót ký hợp đồng với NHK, nhưng không xem TV thì làm sao để hủy hợp đồng? Như đã giải thích ở trên, bạn chỉ có thể hủy hợp đồng khi bạn chứng tỏ được bạn không còn TV trong nhà nữa, hoặc sắp về nước. Và để hủy được hợp đồng với NHK cũng cần có quy trình. Và dưới đây mình xin hướng dẫn độc giả các bước cụ thể:

Bước 1: Chứng minh không còn TV trong nhà nữa

  Có nhiều cách để chứng minh trong nhà không sử dụng TV, độc giả có thể áp dụng một trong các cách dưới đây.

  • Bạn bán hoặc vứt TV của mình và giữ lại giấy bán TV hoặc phiếu Recycle ticket (リサイクル券).
  • Mua TV cũ khác và bán lại TV đó, lấy hóa đơn chứng tỏ đã bán TV.
  • Nếu không mua TV cũ, bạn có thể xin lại TV cũ ở một số website cho đồ của Nhật. Web cho nhận đồ nổi tiếng nhất của Nhật là trang Jimoty: https://jmty.jp/. Chỉ cần nhập địa chỉ và đồ bạn muốn tìm TV, bạn sẽ thấy hiện ra rất nhiều thông báo cho TV miễn phí. Một địa chỉ khác có thể xin TV miễn phí là facebook group bằng tiếng Anh Mottainai Japan https://www.facebook.com/groups/276522392525201/. Bạn có thể đăng thông báo xin TV cũ trên đó. Sau khi có TV cũ rồi, bạn mang đến tiệm đồ cũ bán và lấy hóa đơn đã bán TV.
  • Nếu không bán TV ở tiệm đồ cũ, bạn có thể tiến hành vứt TV theo đúng quy định và nhớ giữ lại phiếu Recycle ticket (リサイクル券). Do TV không được coi là rác thải cỡ lớn, do đó mà phải được tiến hành thu gom bởi nhà sản xuất hoặc đại lý bán hàng gia dụng. Bạn có thể đem TV đến các cửa hàng bán đồ điện tử như Yodobashi camera, Yamada Denki hay K’s Denki… để được thu gom. Chi phí thu gom vào khoảng 1,300 yên ~ 4,000 yên tùy vào cửa hàng và kích cỡ của TV. Phiếu Recycle ticket (リサイクル券) sẽ được nhận tại cửa hàng. Ngoài ra tại nơi ở của bạn cũng có dịch vụ thu gom đồ điện gia dụng, giá cả cũng tương tự như đem đến cửa hàng điện tử. Bạn có thể tra từ khóa nơi ở+リサイクルセンター để biết thêm chi tiết nhé.

Bước 2: Gọi điện đến tổng đài NHK để hủy hợp đồng

  Số điện thoại miễn phí của NHK là: 0120-151515. Tuy nhiên khi gọi điện thoại bạn cần phải nói tiếng Nhật nên tốt nhất hãy nhờ một người bạn giỏi tiếng Nhật và điện thoại hộ bạn.

  Bạn nên chuẩn bị sẵn lý do trong đầu để có thể trả lời cho mạch lạc. (Ví dụ: Do công việc bận rộn không có thời gian xem TV nên bạn đã bán TV và không có ý định sử dụng TV nữa…) Có thể nhân viên tổng đài sẽ hỏi bạn có giấy tờ bằng chứng gì về việc bạn không còn TV trong nhà nữa không thì bạn nói có giấy bán TV hoặc phiếu Recycle ticket (リサイクル券) làm bằng chứng. Sau đó nhân viên tổng đài sẽ tiếp nhận yêu cầu hủy hợp đồng của bạn và chuyển đổi yêu cầu cho nhân viên NHK phụ trách ở địa phương (gọi là 地域担当者-Chiikitantousha). Sau đó nhân viên phụ trách địa phương sẽ liên lạc lại với bạn.

Bước 3: Chờ liên lạc từ nhân viên phụ trách NHK ở địa phương

  Sau khi gọi cho tổng đài chính (0120-151515) khoảng 1 tuần, nhân viên phụ trách NHK ở địa phương sẽ liên lạc với bạn về việc hủy hợp đồng. Họ sẽ hỏi lại lí do tại sao cắt hợp đồng, có giấy tờ chứng minh việc đã bỏ TV, thực sự bạn có xem TV qua điện thoại hay Car navi hay không? (ワンセグの見れる携帯やカーナビも本当にないですか!?). Tất nhiên, bạn phải nhớ trả lời là “KHÔNG” nhé.

  Sau công cuộc “hỏi cung” kết thúc, nhân viên NHK sẽ giải thích trình tự hủy hợp đồng và coi như bạn đã thành công đến 99% rồi đó!

Bước 4: Nhận giấy đăng kí hủy hợp đồng xem truyền hình, điền thông tin và gửi lại NHK

  Sau buổi nói chuyện với nhân viên của NHK từ 2~3 ngày, giấy đăng kí hủy hợp đồng xem truyền hình (Gọi là”放送受信契約解約届”-Housou jyushin keiyakukaiyakutodoke) sẽ được gửi đến nhà bạn. Bạn hãy điền đầy đủ thông tin và gửi lại ngay lập tức cho NHK nhé. Nên gửi kèm với giấy bán TV hoặc phiếu Recycle ticket (リサイクル券).  Ngoài ra trước khi gửi bưu điện, bạn nên copy lại hết các giấy tờ và giữ lại phòng khi có trục trặc xảy ra.

  Khi yêu cầu hủy hợp đồng, nếu bạn còn thiếu chưa trả tiền NHK thì bạn sẽ phải trả hết số tiền chậm trả mới được hủy hợp đồng. Nếu bạn đã trả trước phí xem TV, phí này sẽ được trả lại sau khi thủ tục hủy hợp đồng hoàn tất.

  Bạn có thể kiểm tra việc hủy hợp đồng hoàn tất hay không bằng việc kiểm tra tài khoản có còn bị rút tiền hay không. Nếu tài khoản vẫn tiếp tục bị rút thì hãy gọi điện ngay đến NHK nhờ xác nhận lại.

Trên đây là đầy đủ 4 bước để hủy hợp đồng xem truyền hình của NHK, và bạn nên lưu ý một khi đã hủy hợp đồng thì nhất định không được kí hợp đồng lại nhé. Chúc các bạn may mắn!

Tham khảo thêm các bài viết khác của Momiji’s Family:

Sử dụng điện tại Nhật, đăng kí chuyển đổi hợp đồng điện với chính sách tự do hóa mua bán ga, điện tại Nhật.

Kiếm thêm thu nhập từ Point site khi mua hàng Nhật online!!!

Momiji

Momiji's family là website dạng blog nhằm cung cấp và chia sẻ các thông tin và kinh nghiệm về cuộc sống của người Việt đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Nội dung của trang được xây dựng bởi một gia đình nhỏ gồm 4 thành viên, sống tại Kanto gần 10 năm. Momiji's family mong muốn sẽ trở thành một kênh thông tin đáng tin cậy và hữu ích, là diễn đàn kết nối cộng đồng các gia đình người Việt tại Nhật. Chúc cho cộng đồng người Việt Nam ngày càng lớn mạnh và gặt hái nhiều thành công!

2 thoughts on “Làm thế nào để từ chối đóng tiền xem truyền hình NHK ở Nhật?

  • 09/12/2019 at 23:20
    Permalink

    xin lỗi chị, cho e hỏi chút. lúc trước e có ki hợp đồng với NHK, nhưng e ko đống tienf cũng 6 tháng rồi và giấy báo đóng tiền vẫn đến hàng tháng, e không xem, nhà e có tivi, nếu e không dóng tiền có bị ảnh hưởng đến khả năng xin visa của e không ạ. vì e nghe nói ai nợ mạng điện thoại sẽ bị trượt visa nên e xin hỏi mong chị trả lơi giúp e, e là thực tập sinh vẫn còn 2 năm ở nhật ạ.

    Reply
    • 10/12/2019 at 11:44
      Permalink

      Chào bạn, theo mình bạn nên làm thủ tục cắt hợp đồng càng sớm càng tốt. Tiền nợ NHK theo mình k liên quan đến thủ tục xin visa cho lắm vì quá khứ mình cũng đã gia hạn visa Ok mà vẫn nợ nHk. Tuy nhiên thủ tục cấp và gia hạn visa ngày càng khó khăn nên mình nên cẩn thận vẫn hơn bạn ạ

      Reply

Leave a Reply

English日本語Tiếng Việt
error: Content is protected !!
%d bloggers like this: