5 tips tiết kiệm viện phí sinh mổ tại Nhật, phân tích từ hóa đơn viện phí của nhà Momiji!
Xin chào độc giả của Momiji’s Family, chắc hẳn mẹ nào chuẩn bị sinh cũng thắc mắc viên phí sinh em bé ở Nhật tốn bao nhiêu đúng không nào? Bản thân Momiji cũng vậy, khi hỏi thăm nhiều người thì mỗi mẹ cho một câu trả lời nên thực sự là “Không biết đâu mà lần”! Bé thứ hai nhà mình sinh mổ tại Nhật, và viện phí sinh mổ tại Nhật là 488,512 yên (mình phải trả 68,512 yên sau khi trừ 42 man được hỗ trợ). Tuy nhiên, chị sinh cùng đợt với mình, cũng sinh mổ và cùng bệnh viện, nhưng viện phí của chị lại lên tới gần 75 man yên.
Do đó mình đã ngồi so sánh hai tờ hóa đơn để tìm hiểu lý do và phát hiện ra một số điểm khiến cho tiền viện phí có thể bị đội lên. Các mẹ có thể thấy phần khác nhau chủ yếu ở chỗ được khoanh đỏ. Dẫn đến khi thanh toán viện phí mình trả thêm 68,512 yên còn chị bạn lên tới 324,755 yên. Vậy lí do của việc khác nhau này ở đâu, làm sao để có thể tiết kiệm phần nào chi phí khi sinh con tại Nhật, mình xin chia sẻ trong bài viết này nhé.
Bài viết liên quan: Ba yếu tố quyết định chi phí sinh con tại Nhật là gì?
1. Chi tiết và cách đọc hóa đơn viện phí sinh con tại Nhật
Ảnh 2-1 là phần chi tiết hóa đơn được đính kèm vào tờ hóa đơn viện phí mình nhận được khi thanh toán viện phí. Mình xin tạm chia ra làm ba mục chính như sau nhé:
- Mục 1: Chi phí được bảo hiểm hỗ trợ
- Mục 2: Chi phí tiền ăn trong khi nằm viện
- Mục 3: Chi phí không được bảo hiểm hỗ trợ
1.1. Mục 1: Chi phí được bảo hiểm hỗ trợ
Đây là phần chi phí cần thiết cho phẫu thuật mổ đẻ, bao gồm phí nhập viện, phí phẫu thuật, gây mê và thuốc cho mẹ… sau sinh mổ. Các mẹ có thể thấy tổng chi phí là 55,269 điểm (点) tương ứng với 552,690 yên Nhật. (Mỗi điểm ứng với 10 yên)
Sau khi được bảo hiểm hỗ trợ 70% thì đáng nhẽ mình phải trả 552,690 x 30% = 165,807 yên nhưng do sử dụng giấy chặn viện phí khi thanh toán, mình chỉ phải trả 82,957 yên. Chị đẻ cùng mình do không xuất trình giấy này khi thanh toán nên chị phải trả hết 30% chi phí phẫu thuật là hơn 17 man.
Lưu ý khi sử dụng chế độ chặn viện phí:
Chế độ này chỉ áp dụng cho tổng viện phí trong một tháng. Nên với các mẹ được chỉ định sinh mổ nên chọn ngày nhập viện mổ trước ngày 22 của tháng. Khi đó ngày ra viện chậm nhất là ngày 30 hoặc 31 của tháng đó và viện phí sẽ tính trọn trong một tháng nên số tiền được giảm sẽ nhiều hơn.
Đây là mẫu giấy chặn viện phí mẹ nên chuẩn bị khi thanh toán:
Tìm hiểu về chế độ giới hạn chi phí y tế 高額療養費制度-Kougakuryouyouhi seido
1.2. Mục 2: Chi phí tiền ăn trong khi nằm viện
Đây là phần ghi số tiền ăn trong bệnh viện. Tại Nhật, chi phí cho một bữa ăn trong bệnh viện được quy định dựa theo thu nhập như sau:
Hạng mục thu nhập | Chi phí một bữa ăn |
---|---|
Thu nhập thông thường | 460 yên/ bữa |
Thu nhập thấp không phải đóng thuế thị dân (nằm viện dưới 90 ngày) | 210 yên/ bữa |
Thu nhập thấp không phải đóng thuế thị dân (nằm viện trên 90 ngày) | 160 yên/ bữa |
Người trên 70 tuổi có thu nhập lương hưu dưới 80 man yên/ năm | 100 yên/ bữa |
Tham khảo nguồn: Website bảo hiểm của Nhật Kyokai Kenpo
Bản thân mình nằm viện 9 ngày và ăn 18 bữa tại bệnh viện (lúc chưa mổ mình ăn ngoài) do đó hết 460 yên x 18= 8,280 yên.
1.3. Mục 3: Chi phí không được bảo hiểm hỗ trợ
Do không có bảo hiểm hỗ trợ nên phần này các mẹ phải trả 100%. Đây là phần ảnh hưởng rất lớn đến viện phí của các mẹ nhiều hay ít và sẽ thay đổi tùy theo bệnh viện. Do đó các mẹ nên tìm hiểu kĩ bệnh viện mình sinh ngay từ đầu để tránh ngỡ ngàng khi thanh toán viện phí nhé.
Mục 3-1: Chi phí phòng bệnh: 室料差額-Shitsuryo Sagaku hoặc 差額ベッド代- Sagaku Beddo dai.
Thông thường, bệnh viện có phòng nằm chung 6 giường/phòng, 4 giường/phòng, 2 giường/phòng hoặc là phòng riêng. Chi phí phòng bệnh 室料差額-Shitsuryo Sagaku hoặc 差額ベッド代- Sagaku Beddodai sẽ phát sinh khi người bệnh muốn nằm phòng từ 4 người trở xuống và càng nằm phòng ít người giá tiền sẽ càng đắt.
Tại bệnh viện mình sinh, chi phí nằm phòng 4 người là 5000 yên/một đêm. Bốn đêm đầu do mình nằm phòng 4 người nên phần chi phí này mình tốn 5,000 yên x 4 = 20,000 yên. Sau đó phòng 6 người có chỗ trống nên mình xin đổi phòng và không tốn thêm đồng nào cả. Mặt khác chi phí nằm phòng đơn là 20,000 yên/đêm. Chị đẻ cùng với mình viện phí bị đội lên là do chị nằm phòng đơn từ lúc nhập viện đến khi ra viện. Cho nên tiền 室料差額-Shitsuryo Sagaku của chị lên tới 180,000 yên là vì vậy
Có lẽ mọi người sẽ thắc mắc phòng 6 người, 4 người hay một người có khác gì nhau không, thì theo ý kiến của mình là không khác nhau nhiều lắm. Các giường đều có rèm che nên rất riêng tư. Đối với phòng đơn thì chỉ hơn các phòng còn lại là có thêm vòi hoa sen và toalet trong phòng thôi. Do vậy để tiết kiệm viện phí, các mẹ nên xin nằm buồng 6 giường. Trường hợp khi nhập viện hết phòng 6 giường thì nằm tạm phòng 4 giường và nói trước với y tá xin chuyển sang phòng 6 giường khi có chỗ trống. Do các bà đẻ ra viện liên tục nên chắc chắn sẽ sớm có chỗ thôi.
Nói về chi phí phòng bệnh: 室料差額-Shitsuryo Sagaku hay 差額ベッド代- Sagaku Beddo dai thì rất là dài. Mình sẽ sớm viết bài chi tiết về vấn đề này. Nhưng một điểm quan trọng ở đây mình lưu ý các mẹ là chi phí 室料差額-Shitsuryo Sagaku chỉ phải thanh toán nếu đó là nguyện vọng của bệnh nhân. Trường hợp bệnh nhân cấp cứu cần nằm phòng riêng, hoặc do bệnh viện hết phòng mà phải nằm phòng ít người, thì không phải thanh toán tiền 室料差額-Shitsuryo Sagaku (vì không thuộc nguyện vọng của bệnh nhân). Cái này là quy định của bộ Y tế Nhật rồi nên các mẹ cứ tự tin đàm phán với bệnh viện nhé.
Một phần nữa là các bệnh viện phải công khai niêm yết giá 室料差額-Shitsuryo Sagaku hay 差額ベッド代- Sagaku Beddo dai. Trước khi chọn bệnh viện mình hoàn toàn có thể lên website của bệnh viện để tra cứu.
Tham khảo thêm quy chế về 室料差額-Shitsuryo Sagaku hay 差額ベッド代- Sagaku Beddodai tại đây
Mục 3-2: Chi phí gói sinh: 分娩料等-Bunbenryou
Đây là chi phí đã được quy định bởi từng bệnh viện, có thể hiểu là phí chăm sóc bà mẹ sau sinh. Tại bệnh viện mình sinh gói này là 27 man. Nhưng mình tham khảo một số mẹ khác đã đẻ ở bệnh viện khác thì có chỗ chỉ 20 man. Do đó theo mình khi chọn bệnh viện sinh, các mẹ có thể điện thoại hỏi trước bệnh viện là chi phí gói sinh này 分娩料等-Bunbenryou bao nhiêu nhé.
Mục 3-3: Chi phí chăm sóc em bé 新生児介補料‐ Shinseiji Kaihoryou
Đây cũng là chi phí đã được quy định bởi từng bệnh viện. Tại bệnh viện nơi mình ở chi phí này là 13,000 yên/ngày x 7 ngày = 91,000 yên. Có một số bệnh viện khác rẻ hơn chỉ 8000 yên/ngày. Ví dụ như bệnh viện này: http://ohta-s.com/birth.html. Do đó các mẹ nên tham khảo trang web của bệnh viện hoặc gọi điện hỏi trước chi phí để có thể lựa chọn bệnh viện dễ dàng hơn nha.
Mục 3-4: Chi phí cấp giấy tờ 文書料-Bunshoryo
Mình xin một tờ giấy chứng sinh cho em bé và mất 3,000 yên.
Mục 3-5: Chi phí khác
Cụ thể đây là chi phí mua set đồ dùng đi đẻ của bệnh viện gồm có pijama, băng vệ sinh, gien bụng sau sinh, các đồ dùng vệ sinh cá nhân, bỉm và giấy ướt em bé hết 8,095 yên.
2. Năm điều nên làm để kiểm soát viện phí khi sinh con tại Nhật
Sau khi phân tích hóa đơn viện phí thực tế nhà mình, mình xin được tổng kết lại năm điều cần làm để tiết kiệm chi phí khi đi đẻ tại bệnh viện của Nhật như sau:
- Sử dụng giấy chặn viện phí 健康保険限度額適用認定書-Kenkouhoken gendogaku ninteisho. Cái này mẹ lưu ý chỉ dùng được trong trường hợp sinh mổ thôi. Với mẹ dự định sinh mổ, nên chọn ngày mổ trước ngày 22 của tháng. Với các mẹ dự định sinh thường thì cũng nên xin giấy này trước vì có nhiều trường hợp mẹ có thể bị chuyển sang mổ cấp cứu.
- Tiết kiệm chi phí phòng bệnh 室料差額-Shitsuryo Sagaku hoặc 差額ベッド代- Sagaku Beddodai. Trường hợp khi nhập viện không còn phòng 6 người thì nằm tạm phòng 4 người và xin sang phòng 6 người khi có chỗ trống. Mẹ có thể tham khảo website bệnh viện để so sánh chi phí phòng bệnh của các bệnh viện khác nhau nhé.
- Hỏi trước bệnh viện chi phí gói sinh 分娩料等-Bunbenryou và chi phí chăm em bé 新生児介補料‐ Shinseiji Kaihoryou. Các bệnh viện đều có bộ phận thanh toán viện phí và nơi để trao đổi các vấn đề liên quan tới viện phí. Các mẹ có thể gọi điện hoặc đến tận nơi để hỏi. Sau đó mình lựa chọn ra nơi có chi phí phù hợp với hoàn cảnh của mình nhất nhé.
- Không sử dụng dịch vụ matxa, vắt sữa nếu không cần thiết. Nếu mẹ để ý trên hóa đơn của mình có chi phí 1,500 yên. Đó là chi phí y tá vắt sữa giúp mình. Do khi e bé chưa biết bú mà ngực mình đau tức quá nên có nhờ y tá vắt hộ. Mình không biết là tốn tiền nhưng sau này khi thanh toán mới biết. Tuy không phải là số tiền lớn nhưng các mẹ cũng nên lưu ý để tránh nhờ y tá nhiều lần không cần thiết nhé.
- Tính toán trước số lượng giấy tờ cần thiết làm giấy tờ. Ví dụ lúc đầu mình nghĩ nên xin 2 tờ chứng sinh nhưng sau đó nhà mình chỉ cần 1 tờ. Do đó mình tiết kiệm được 3,000 yên.
Trên đây là bài viết chia sẻ kinh nghiệm của bản thân mình về cách tiết kiệm chi phí khi đi sinh tại Nhật. Mình chỉ sinh mổ ở đây nên phần chia sẻ có thể không bao quát tới các mẹ sinh thường. Tuy nhiên mình tin rằng các mẹ sinh thường cũng có thể tìm được những thông tin có ích trong bài viết này. Nếu các mẹ có kinh nghiệm khác, hoặc thắc mắc gì, hãy để lại comment dưới bài viết nhé. Hãy like và share nếu mẹ thấy bài viết hữu ích, cũng như tạo thêm động lực cho Momiji viết thêm nhiều chia sẻ nữa nhé! Chúc các mẹ sức khỏe thật tốt để chuẩn bị cho công cuộc vượt cạn sắp tới nha!
Pingback:Cách tìm và lựa chọn bệnh viện phụ sản tại Nhật như thế nào? - Momiji's Family