Ba yếu tố quyết định chi phí sinh con tại Nhật là gì?
Theo thống kê của hội bảo hiểm quốc dân Nhật Bản, chi phí sinh em bé trung bình tốn khoảng 505,759 yên Nhật (số liệu thống kê năm 2016, nguồn : Website của hội bảo hiểm quốc dân Nhật Bản). Tại Nhật, mang thai và sinh đẻ không được coi là bị bệnh do đó về nguyên tắc sẽ không được bảo hiểm hỗ trợ quá trình thăm khám và sinh đẻ. Tuy nhiên mặt khác chính phủ Nhật lại có các chế độ hỗ trợ sinh sản khác trong đó phổ biến nhất là tiền hỗ trợ thai sản một lần (出産育児一時金制度-Syussan ikuji ichijikin seido) 42 man yên cho một ca sinh đẻ. Do đó tính trung bình thì chi phí sinh con mà các gia đình thực trả sẽ rơi vào khoảng 8,5 man yên Nhật.
Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng 8,5 man yên là một số tiền nhỏ, không quá nhiều. Tuy nhiên trên thực tế chi phí sinh của Nhật phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó ba yếu tố chính đó là:
|
Sau đây Momiji’s family xin được chia sẻ khái quát chi phí sinh đẻ dựa theo các yếu tố nói trên nhé.
Cách thức sinh em bé
Các loại hình sinh sản ở Nhật có thể chia làm 3 loại: Đẻ thường (自然分娩‐Shizenbunben), đẻ mổ (帝王切開‐Teiousekkai) và đẻ không đau (無痛分娩‐Mutsubunben).
- Đẻ thường: Đẻ thường ở Nhật không được bảo hiểm y tế hỗ trợ, do đó chi phí rơi vào khoảng từ 40 man~55 man ở bệnh viện công và 50 man~80 man tại các bệnh viện tư. Hỗ trợ từ chính phủ 42 man nên suy ra chi phí phải bỏ ra sẽ rơi vào tầm 10 man~ 25 man nhé.
- Đẻ mổ: Khác với đẻ thường, đẻ mổ tại Nhật sẽ được bảo hiểm chi trả 70% chi phí phẫu thuật. Ngoài ra các chi phí khác như phí nằm viện, phí xét nghiệm trước và sau khi mổ… không thuộc đối tượng bảo hiểm hỗ trợ. Tuy được hỗ trợ 70% phí phẫu thuật đẻ mổ nhưng do khi đẻ mổ mẹ thường phải nằm viện nhiều hơn, đồng thời tốn kém tiền thuốc men để giảm đau và phục hồi nên thông thường chi phí đẻ mổ sẽ không thay đổi nhiều lắm so với đẻ thường hoặc có trường hợp sẽ đắt hơn khoảng 5 đến 10 man. Nghĩa là mẹ cũng sẽ phải trả thêm tầm 10 man ~25 man nhé.
- Đẻ không đau: Giống như đẻ thường, đẻ không đau không nhận được hỗ trợ chi phí từ bảo hiểm. Hơn nữa mẹ phải trả thêm chi phí cho các xét nghiệm và phí cho mũi tiêm gây tê tủy sống tầm 10~15 man tùy bệnh viện. Ngoài ra đa số các bệnh viện công ở Nhật không có dịch vụ đẻ không đau nên mẹ thường phải đăng kí bệnh viện tư, nên số tiền phải bỏ ra sẽ bị đội lên khá nhiều từ tầm 20 man ~ 40 man so với các loại hình sinh đẻ thông thường khác.
Bệnh viện nơi mẹ sinh em bé
Gồm có ba loại hình cơ bản đó là:
– Bệnh viện công (公立/総合/大学病院-Kouritsu/sougou/daigaku byouin
– Bệnh viên sản tư (個人産院/クリニック- Kojin sanin/ clinic)
– Nhà hộ sinh (助産院-Josanin).
Về mức độ đắt rẻ thì sinh tại nhà hộ sinh được coi có chi phí sinh rẻ nhất vì thời gian nằm viện ngắn (khoảng 3 ngày) và không tốn nhiều chi phí hỗ trợ y tế khác, sau đó là bệnh viện công và cuối cùng đắt nhất là các bệnh viện tư.
Tuy nhiên lựa chọn đẻ ở nhà hộ sinh chỉ khuyên dành cho các bà mẹ có thai kì hoàn toàn khỏe mạnh và tự tin vào sức khỏe của mình. Còn lại đa số các mẹ sẽ lựa chọn bệnh viện công hoặc bệnh viện tư. Tại cùng một địa phương, đẻ tại bệnh viện tư có thể đắt hơn so với bệnh viện công từ 10 man ~30 man tùy theo các dịch vụ mà bệnh viện tư cung cấp.
Độc giả có thể tham khảo thêm bài viết: Kinh nghiệm lựa chọn bệnh viện phụ sản tại Nhật như thế nào?
Vùng, địa phương nơi mẹ sinh em bé
Thông thường chi phí sinh tại các thành phố lớn sẽ đắt hơn so với các bệnh viện ở vùng địa phương. Ví dụ như chi phí sinh ở Tokyo trung bình vào khoảng 63 man yên một ca nhưng ngược lại ở Tottori chỉ vào khoảng 39 man yên/ca. Do đó có nhiều trường hợp dù sinh sống ở các thành phố lớn nhưng nhiều gia đình khi gần sinh lại chuyển về các bệnh viện địa phương nơi có gia đình người thân để tiết kiệm chi phí sinh đẻ.
Những trường hợp bảo hiểm y tế hỗ trợ một phần chi phí sinh con tại Nhật
Tại đầu bài, Momiji’s Family có đề cập rằng về nguyên tắc, mang thai và sinh đẻ ở Nhật không được coi là “bị bệnh” nên không được hỗ trợ về y tế. Tuy nhiên tương tự với sinh mổ, với một số trường hợp dưới đây được coi là mang thai bất thường hoặc có độ rủi ro cao cho mẹ và bé. Khi đó bảo hiểm sẽ hỗ trợ chi phí sinh đẻ 70% và mẹ vẫn nhận được tiền hỗ trợ thai sản một lần (出産育児一時金制度-Syussan ikuji ichijikin seido) 42 man yên nữa nhé.
- Trường hợp cơn co dạ con quá yếu phải sử dụng thuốc kích đẻ
- Trường hợp em bé không lọt phải sử dụng dụng cụ kéo, hút
- Trường hợp mẹ được chỉ định đẻ mổ do ngôi thai ngược, mẹ cao tuổi, thai quá to hoặc đẻ mổ lần hai vv
- Trường hợp mẹ được chỉ định gây tê tủy sống hoặc gây mê do mẹ mắc các chứng bệnh không thể đẻ thường được
- Trường hợp trẻ sinh ra phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt do sinh non, nhẹ cân hoặc mắc các chứng bệnh khác vv
- Trường hợp thai chết lưu, hoặc chết trong quá trình sinh đẻ
Gia đình Momiji hi vọng những thông tin sẽ hữu ích cho các gia đình khác đang sống tại Nhật chuẩn bị chi phí sinh con một cách hợp lý nhất. Chúc các mẹ các bé có một thai kì khỏe mạnh và mẹ tròn con vuông nha 🙂
Các bài viết khác: 5 tips tiết kiệm viện phí sinh mổ tại Nhật, phân tích từ hóa đơn viện phí của nhà Momiji!