Kinh nghiệm khám thai lần đầu ở Nhật
Xin chào độc giả của Momiji’s Family! Hôm nay mình xin được quay lại chủ đề quen thuộc “Mẹ và bé” mà lâu rồi mình không có thời gian để chia sẻ. Mặc dù đã có rất nhiều thông tin trên mạng rồi, vậy mà trên nhiều diễn đàn vẫn có rất nhiều mẹ mới mang thai thắc mắc về việc khám thai lần đầu ở Nhật. Nhất là các mẹ chưa vững tiếng Nhật khá bỡ ngỡ, không biết đi khám cần mang theo gì, sẽ bị bác sỹ hỏi gì? Do vậy trong bài viết này, mình xin được kể lại kinh nghiệm đi khám thai lần đầu tiên tại Nhật, để các mẹ hình dung rõ hơn những gì sẽ diễn ra nhé 🙂
Từ vựng tiếng Nhật khi đi khám thai(^^) Dành cho mẹ Việt ở Nhật
1. Khi nào nên đi khám thai lần đầu ở Nhật?
Chắc hẳn khi biết có thai, mẹ sẽ rất sốt sắng muốn đi kiểm tra xem em bé của mình như thế nào đúng không? Tuy nhiên theo Momiji, không cần thiết phải đi siêu âm thai quá sớm. Việc mẹ cần làm ngay đó là cân nhắc việc sinh đẻ ở Nhật hay ở Việt Nam, lựa chọn bệnh viện sinh và các thủ tục cần thiết trong cả quá trình dài phía trước!
Danh sách 5 điều cần cân nhắc khi mang thai tại Nhật
Cách tìm và lựa chọn bệnh viện phụ sản tại Nhật như thế nào?
Nếu mẹ không bị các triệu chứng như ra máu, đau bụng… thì thời điểm tốt nhất nên đi khám thai lần đầu đó là khi thai được khoảng 7 tuần. Lý do Momiji cho rằng 7 tuần nên là thời điểm đi khám thai lần đầu tốt nhất tại Nhật là vì đa số khi thai được 7 tuần, thai đã làm tổ ổn định trong tử cung và bắt đầu có tim thai. Khi đi khám vào thời điểm này, bác sỹ sẽ xác định chính xác ngay là bạn có thai hay không? Có bị mang thai ngoài tử cung hay không? Tim thai có hay không?
Khi có tim thai, bệnh viện sẽ viết giấy chứng nhận có thai và bảo bạn đi xin sổ mẹ và bé. Do vậy chỉ cần siêu âm một lần là mẹ sẽ xin được sổ mẹ và bé và được nhận hỗ trợ cho các lần khám thai tiếp theo. Việc này giúp tiết kiệm thời gian cũng như tiền bạc cho mẹ. Nếu mẹ siêu âm quá sớm lúc 4-6 tuần và chưa xác nhận được tim thai, mẹ sẽ phải chờ thai lớn hơn và siêu âm lại lần nữa. Khi đó mẹ sẽ không nhận được hỗ trợ chi phí khám thai mà phải trả 100% chi phí (thường là 10,000 yên ~15,000 yên/lần khám).
2. Quy trình khám thai lần đầu tại Nhật
2.1 Đặt lịch hẹn khám thai
Khi lựa chọn được bệnh viện phụ sản, và quyết định ngày đi khám, mẹ nên gọi điện thoại để hẹn lịch khám. Một số bệnh viện có thể đi khám thai mà không cần hẹn lịch trước, tuy nhiên sẽ mất thời gian chờ đợi khá lâu. Khi Momiji đi khám thai ở Nhật, lúc nào cũng tốn khoảng 2-3 tiếng chờ đợi trong nếu không hẹn lịch trước. Còn nếu hẹn trước chỉ mất khoảng hơn 1 tiếng ngồi chờ thôi.
Mẹ nên hẹn lịch khám vào buổi sáng, để sau đó nếu bệnh viện bảo đi lấy sổ mẹ và bé thì mẹ có thể tranh thủ buổi chiều lên shiyakusho lấy luôn trong ngày. Tại bệnh viện mình khám bé thứ hai, nếu lấy sổ mẹ và bé trong ngày đi khám sẽ được trả lại một phần chi phí khám thai. Vào lần tiếp thep đến khám định kì, mình chỉ cần đưa sổ mẹ và bé có phiếu hỗ trợ bệnh viện sẽ hoàn lại tiền khám thai của lần đầu tiên đấy!
Thủ tục xin cấp sổ mẹ và bé 母子手帳 tại Nhật
2.2 Những giấy tờ cần mang theo khi đi khám thai tại Nhật
Lần đầu tiên đi khám thai tại Nhật, bạn bắt buộc phải mang theo thẻ bảo hiểm-保険証. Tại lần khám đầu tiên bạn sẽ được cấp thẻ khám bệnh-診察券 của bệnh viện. Ngoài ra bạn có thể mang theo Que thử thai tại nhà (không bắt buộc) đề phòng trường hợp bệnh viện xét nghiệm âm tính không có thai mà bạn thử thai lại có kết quả dương tính.
Còn từ những lần khám tiếp theo, bạn cần mang theo những giấy tờ sau:
– Thẻ bảo hiểm y tế-保険証
– Thẻ khám bệnh-診察券.
– Sổ mẹ và bé (tiếng Nhật là 母子手帳) : Được nhận tại Shi khi có giấy xác nhận có thai của bác sỹ.
– Phiếu trợ cấp khám thai sau khi được cấp sổ mẹ và bé -検診補助券: Phiếu được phát kèm với sổ mẹ và bé. Bạn bắt buộc phải mang theo từ lần khám thai tiếp theo để được nhận trợ cấp.
2.3 Lấy nước tiểu và điền vào bảng câu hỏi
Khi tới bệnh viện khám thai lần đầu tại Nhật, bạn sẽ được hướng dẫn làm thẻ khám bệnh (tiếng Nhật là 診察券), sau đó là điền vào bảng câu hỏi 問診票. Trong bảng câu hỏi người ta sẽ hỏi các nội dung liên quan đến vòng kinh, lịch sử sinh sản, tình hình sức khỏe… của bạn.
Hiện nay, do có nhiều người Việt sinh sống tại Nhật, một số bệnh viện đã phát hành các bảng câu hỏi bằng tiếng Việt. Các mẹ có thể tham khảo bảng câu hỏi như sau khi khám thai như sau:
Sau khi điền vào bảng câu hỏi, mẹ được hướng dẫn đi lấy nước tiểu để kiểm tra (tiếng Nhật là 尿検査). Cốc dùng để lấy nước tiểu được để sẵn trong toalet. Mẹ nhớ điền đầy đủ tên, họ, ngày giờ lẫy mẫu nước tiểu và sau khi lấy nước tiểu xong sẽ đặt cốc vào khay hoặc cửa sổ đặt sẵn trong toalet (Chứ không phải bưng cốc nước tiểu ra ngoài và đưa cho y tá nhé).
2.3 Siêu âm nội soi
Sau khi lấy nước tiểu xong, mẹ ngồi chờ ở ghế cho đến khi được gọi vào siêu âm. Tại Nhật, với thai dưới 16 tuần tuổi khi siêu âm đều là siêu âm đầu dò. Mẹ được hướng dẫn cởi bỏ phần dưới, ngồi lên ghế khám gọi là 内診台-Naishindai. Khi ngồi lên ghế sẽ tự động nâng cao và banh hai chân của mẹ ra cho bác sỹ khám đầu dò. Hik hik lần đầu tiên thì chắc nhiều mẹ sẽ ngại nhưng khám vài lần là quen thôi.
Khám và siêu âm thai ở Nhật rất nhanh. Nếu bạn phải chờ cả hai ba tiếng mới đến lượt khám thì khi vào siêu âm chỉ khoảng 1-2 phút thôi. Bác sỹ sẽ kiểm tra có túi thai trong tử cung hay không? Chiều dài túi thai là bao nhiêu và có tim thai không? Sau đó bác sỹ sẽ thông báo cho sản phụ rất ngắn gọn và đơn giản. Theo kinh nghiệm của mình, chỉ khi nào có gì bất thường thì bác sỹ mới nói thêm. Do đó nếu mẹ thấy bác sỹ không nói gì đặc biệt, thì chớ nên lo lắng mà hãy yên tâm rằng tình trạng thai tốt nhé.
Ngoài ra bác sỹ Nhật rất ít khi kê thuốc bổ cho sản phụ, đa số các mẹ muốn bổ sung thì tự mình mua ngoài thôi. Mới có thai thì mẹ có thể uống thêm các viên thuốc bổ cho bà bầu bán rất nhiều trên amazon hoặc tiệm bán đồ trẻ em như Nishimatsuya hoặc Akachan Honpo nhé!
Sau khi siêu âm và xác định có tim thai, bác sỹ sẽ viết giấy và bảo sản phụ đến shiyakusho xin sổ mẹ và bé. Mẹ nên đi ngay trong ngày để có thể lấy lại được trợ cấp khám thai lần đầu nhé.
Quy trình khám thai và các xét nghiệm sàng lọc trước sinh tại Nhật
2.4 Hẹn lịch khám tiếp theo và thanh toán tiền
Sau khi khám xong xuôi, y tá sẽ hẹn lịch khám tiếp theo cho mẹ. Tại một số bệnh viện, ngay lần đầu khám họ sẽ hỏi dự định sinh của bạn ở đâu? Nhiều trường hợp nếu không sinh tại bệnh viện đang thăm khám, bệnh viện có thể sẽ từ chối khám thai những lần tiếp theo. Do đó trước khi đi khám mẹ cũng nên tính trước sẽ sinh tại bệnh viện nào nhé.
Xong xuôi mẹ sẽ ra quầy thanh toán và làm thủ tục. Có thai tại Nhật không được coi là bị bệnh, do đó mẹ sẽ phải trả hết 100% số tiền khám lần đầu. Số tiền rơi vào từ 10,000~15,000 yên nên mẹ nhớ chuẩn bị tiền mặt kẻo thiếu nhé.
Trên đây là tổng kết của Momiji về kinh nghiệm khám thai lần đầu ở Nhật. Khám thai hay khám phụ khoa ở Nhật thì quy trình đều giống hệt nhau. Chúc các mẹ một thai kỳ khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng đón những thiên thần nhỏ nhé!